TP.HCM cần nhiều hơn 220 km đường sắt đô thị

(PLO)- Theo quy hoạch, TP.HCM sau năm 2020 sẽ có 220 km đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỉ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM sắp hoàn thành và dự kiến sẽ vận hành vào năm 2024. Đây là nỗ lực rất lớn của TP.HCM trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban quản lý ĐSĐT TP.HCM(MAUR), cho rằng TP cần nhiều hơn 220 km ĐSĐT khác mới có thể đáp ứng nhu cầu cho một siêu đô thị như TP.HCM.

Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ vận hành thương mại vào năm 2024. Ảnh: ĐÀO TRANG
Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ vận hành thương mại vào năm 2024. Ảnh: ĐÀO TRANG

Metro Bến Thành - Suối Tiên dần thành hình

. Phóng viên: Đến thời điểm này tiến độ của tuyến ĐSĐT Bến Thành - Suối Tiên hiện nay ra sao, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Quốc Hiển: Hiện tổng khối lượng thực hiện toàn dự án đến nay đạt 95,25% và các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Chúng tôi cũng đã đôn đốc các đơn vị hoàn thành khối lượng công việc như kiến trúc, lắp đặt thiết bị hệ thống, cầu bộ hành, tòa nhà văn phòng Công ty O&M, gói thầu hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng Công ty O&M - CP4…

MAUR đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng tuyến metro số 1 trong năm 2023 và khai thác thương mại trong năm 2024. Đặc biệt, tuyến metro số 1 sẽ vận hành thử toàn tuyến vào dịp 2-9 này.

Một số công việc hiện nay MAUR đang phối hợp với các đơn vị liên quan đến vận hành, khai thác như hoàn thiện đề án thí điểm khai thác tài sản kết cấu hạ tầng ĐSĐT, phương án giá vé trong giai đoạn đầu khai thác…

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban quản lý ĐSĐT TP.HCM. Ảnh ĐÀO TRANG

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban quản lý ĐSĐT TP.HCM. Ảnh ĐÀO TRANG

Ngoài ra, hiện chúng tôi đang xúc tiến các công việc để sớm khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Hiện tại, tuyến metro số 2 đã có hơn 86% mặt bằng. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị mặt bằng sẽ được khởi công và di dời trong năm 2023 để khởi công dự án vào năm 2025.

. Tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, tuyến metro số 2 cũng khởi công trong vài năm tới, mạng lưới ĐSĐT trong tương lai sẽ như thế nào?

+ TP.HCM là siêu đô thị phát triển với lượng xe đông đúc và xe cá nhân cao. Theo đó, việc phát triển ĐSĐT - phương tiện vận chuyển hành khách khối lượng lớn là vô cùng cấp thiết.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống ĐSĐT TP.HCM gồm tám tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP.

Bên cạnh đó còn có ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail) và quy hoạch xây dựng bảy depot cho các tuyến ĐSĐT và ba depot cho các tuyến xe điện mặt đất hoặc monorail. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống ĐSĐT TP khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD. Để hiện thực hóa hơn 220 km ĐSĐT là một áp lực rất lớn đối với TP.HCM.

Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ vận hành thử toàn tuyến vào dịp 2-9 này. Ảnh ĐÀO TRANG

Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ vận hành thử toàn tuyến vào dịp 2-9 này. Ảnh ĐÀO TRANG

Hiện nay, TP có ba dự án đang được các nhà tài trợ rất quan tâm. Trong đó, tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) được xác định tuyến metro số 1 nối dài sẽ hình thành hành lang dọc từ đông bắc TP chạy vào Bến Thành và chạy về phía tây nam TP (miền Tây). Từ đó có thể vận chuyển hành khách từ đông bắc - tây nam và ngược lại với khoảng cách 40 km.

Thứ hai là tuyến vòng tròn - tuyến số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), hiện đang trong quá trình báo cáo tiền khả thi dự án. Tiếp đó là tuyến metro số 2 - giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm). Đây là tuyến metro rất quan trọng để phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiện nay, MAUR được TP giao quản lý các dự án đường sắt lớn nhất trong lịch sử của TP với khoảng 2 tỉ USD. Đây là niềm tự hào, song cũng thực sự là thách thức rất lớn.

“Với quy hoạch 220 km ĐSĐT như hiện nay là chưa đủ để phục vụ cho một siêu đô thị như TP.HCM.”

220 km ĐSĐT vẫn chưa đủ với siêu đô thị TP.HCM

. 25 tỉ USD là nguồn vốn khổng lồ, trong thời gian tới nguồn lực này sẽ được triển khai như thế nào?

+ Để thực hiện các dự án trên, bên cạnh nguồn vốn ODA truyền thống từ các nhà tài trợ như JICA, ADB, KfW, EIB… MAUR đang chủ động nghiên cứu phát triển ĐSĐT theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Thời gian tới, Quốc hội thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc phát triển giao thông. Đặc biệt là phát triển TOD dọc các tuyến ĐSĐT, tạo thành quỹ đất “kim cương” ở khu vực các nhà ga. Từ đó, tạo thành nguồn lực tài chính rất lớn để hỗ trợ phát triển hạ tầng đô thị cho TP, đặc biệt là các dự án ĐSĐT còn lại.

Đặc biệt MAUR cũng đang phối hợp với các sở QH-KT và GTVT để quy hoạch tổng thể lại ĐSĐT. Bởi hiện TP có khoảng 10 triệu dân, nếu bao gồm cả các đô thị vệ tinh khoảng 13 triệu dân, 10 năm nữa có thể nâng lên 20 triệu dân.

Vì vậy, việc quy hoạch 220 km ĐSĐT như hiện nay là chưa đủ để phục vụ cho một siêu đô thị như TP.HCM. Nhìn sang các TP lớn như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải, Bắc Kinh… họ đã có 1.000 km.

MAUR sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban ngành, viện để tham mưu UBND TP.HCM về đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp để quy hoạch TOD cho diện tích đất xung quanh các nhà ga.

. Xin cảm ơn ông.•

Một số dự án metro đến năm 2030

Ban quản lý ĐSĐT cho biết định hướng đến năm 2030, hệ thống ĐSĐT của TP sẽ đạt được 56,43 km với số vốn đầu tư khoảng 8,85 tỉ USD.

Bên cạnh tuyến metro số 1 và 2, MAUR đang xúc tiến hàng loạt dự án như tuyến metro số 2 - giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm). Hiện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) đã cử đoàn khảo sát đánh giá và tìm hiểu thực tế dự án từ tháng 4-2023. MAUR đang phối hợp với KEXIM hoàn thiện văn kiện hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi song song với việc lập đề xuất dự án.

Tương tự là dự án tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn). Các bộ KH&ĐT, Xây dựng đã có ý kiến hướng dẫn về cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu tư vấn thẩm tra phục vụ công tác thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước đối với các dự án quan trọng quốc gia.

Dự án tuyến metro số 3a - giai đoạn 1 (Bến Thành - Khu y tế kỹ thuật cao): Hiện JICA và MAUR đang tích cực nỗ lực thảo luận để xác định phương án tài chính cũng như cập nhật tổng mức đầu tư của dự án.

Ngoài ra, MAUR đang xúc tiến dự án tuyến số 4 (Thạnh Xuân - khu đô thị Hiệp Phước) và tuyến số 2 - giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - khu đô thị Tây Bắc Củ Chi).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm