Làm đường sắt đô thị theo mô hình TOD: Lối ra cho TP.HCM

(PLO)- Theo các chuyên gia, hình thức TOD là chìa khóa để giải quyết khó khăn về huy động nguồn vốn và khắc phục được tình trạng “ế khách” của các tuyến đường sắt đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị tư vấn để thảo luận, đánh giá các ưu điểm của việc phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - định hướng phát triển giao thông công cộng gắn với phát triển đô thị).

Cần sớm làm bảy tuyến đường sắt đô thị

Tại cuộc họp, Sở GTVT TP đã đề xuất danh mục bảy dự án đường sắt đô thị (chưa có chủ trương đầu tư) cần ưu tiên, tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021-2035 với kinh phí đầu tư khoảng 210.755 tỉ đồng.

Mô hình TOD sẽ phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị. Ảnh: ĐÀO TRANG

Mô hình TOD sẽ phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị. Ảnh: ĐÀO TRANG

Để có nguồn vốn đầu tư cho các dự án này, Sở GTVT TP cho rằng TP cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất những phương thức huy động vốn mới để đầu tư phát triển hạ tầng. Đặc biệt là phương án khai thác quỹ đất khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị và vùng phụ cận các tuyến đường vành đai, cao tốc gắn với phát triển đô thị theo mô hình TOD.

Trong cuộc họp, Sở GTVT TP và các sở, ngành, đơn vị đã thống nhất cho rằng mô hình TOD là chiến lược phát triển tích hợp đô thị với hệ thống giao thông công cộng rất hiệu quả. Từ đó góp phần tăng lượng hành khách sử dụng hệ thống giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đồng thời góp phần giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

Mô hình TOD sẽ phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị. Đây còn là một giải pháp tài chính mang tính chiến lược trong việc huy động và tối ưu hóa nguồn lực từ khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Với các ưu điểm trên, Sở GTVT TP cho rằng cần sớm triển khai quy hoạch và thiết kế đô thị theo mô hình TOD để nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP.

Theo ông Tuấn, hiện nay các tuyến đường sắt đô thị đều thiếu nguồn vốn đầu tư, vậy nên TOD là một chìa khóa để giải quyết những khó khăn về huy động nguồn vốn.

Không thể chậm trễ thêm nữa

Để sớm nghiên cứu, phát triển mô hình TOD, để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở QH-KT nghiên cứu, tiếp thu báo cáo chuyên đề về “Quy hoạch và quản lý đô thị theo mô hình TOD” của nhóm chuyên gia thuộc Trường ĐH Việt Đức.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Trường ĐH Việt Đức, cho biết: Tại TP, việc xây dựng đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cần thiết và không thể chậm trễ thêm nữa.

Theo ông Tuấn, hiện nay các tuyến đường sắt đô thị đều thiếu nguồn vốn đầu tư, vậy nên TOD là một chìa khóa để giải quyết những khó khăn về huy động nguồn vốn. Bên cạnh đó còn giải quyết được tình trạng “ế khách” khi đường sắt đô thị hoàn thành. Ông Tuấn cho biết tuyến metro số 1 đã bỏ lỡ mô hình TOD nên các tuyến metro khác không nên bỏ lỡ nữa.

“Trung tâm Nghiên cứu GTVT Trường ĐH Việt Đức đã nghiên cứu một nhà ga (thuộc tuyến metro số 5 - giai đoạn 2) có thể tạo nguồn vốn bổ sung dự án với hơn 700 triệu USD, đã đáp ứng 60% nhu cầu vốn toàn dự án. Thậm chí, một tuyến có thể khai thác được nhiều nhà ga - đây là nguồn lực tài chính để đầu tư tuyến này mà hoàn toàn không cần đi vay” - ông Tuấn nói.

TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn cho biết: Hiện nay, đối với vấn đề phát triển metro và xe buýt, TP mới chỉ làm việc đơn ngành mà chưa có sự phối hợp với các sở, ngành khác. Mô hình TOD không mới và nhiều nước đã làm, nếu chúng ta làm sớm sẽ tiết kiệm hàng trăm ngàn tỉ đồng, tăng nguồn thu ngân sách và tiện lợi cho người dân. Chúng ta chỉ cần làm một tuyến metro số 1 thành công với mô hình TOD, sau đó có thể nhân rộng ra cả nước.

Ông Sơn cũng cho rằng: TOD mới chỉ được Nhà nước ghi nhận trong các cuộc hội thảo mà chưa hề có một mô hình TOD cụ thể nào. Mặt khác, các dự án hiện nay mới chỉ theo hướng tự phát, Nhà nước đầu tư trước, nhà đầu tư lại đầu tư phía sau - không mang lại lợi ích chung cho tập thể.

“Do đó, cần có một nền tảng pháp lý để tạo một sân chơi công bằng cho cả Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Bên cạnh nguồn ngân sách công, cần tính toán thêm nguồn thu từ TOD để phát triển đô thị. Đặc biệt, phải bồi thường giải phóng mặt bằng 100% trước khi thực hiện dự án thì mới thu hút được nhà đầu tư” - ông Sơn nhấn mạnh.•

Cần khẩn trương cập nhật quy hoạch

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị đảm bảo hiệu quả, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP.HCM khẩn trương nghiên cứu về quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng TOD, cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Từ đó, phục vụ khai thác quỹ đất khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị và vùng phụ cận các tuyến vành đai, cao tốc.

Đồng thời giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu UBND TP về phương án, kế hoạch huy động nguồn vốn để đầu tư các dự án đường sắt cần ưu tiên, tập trung đầu tư giai đoạn 2021-2035. Trong đó có phương án khai thác quỹ đất vùng phụ cận xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị để tạo nguồn vốn cho ngân sách.

Đồng thời, UBND TP.HCM giao Sở GTVT TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án đường sắt có khả năng khai thác quỹ đất vùng phụ cận các nhà ga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm