Đến chiều tối 25-6, báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai cho thấy có 14 người chết vì mưa lũ (trong đó có ba người ở Hà Giang và 11 người ở Lai Châu), 11 người mất tích (đều ở Lai Châu) và bảy người bị thương.
Mưa lũ cuốn trôi 67 căn nhà, nhiều đoạn trên các tuyến quốc lộ (QL) 4D, QL32, QL4H, QL4C bị sạt lở nặng nề gây ách tắc giao thông. Ngoài ra có sáu cây cầu của tỉnh Lai Châu cũng bị lũ cuốn...
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 110 tỉ đồng.
Nhiều địa phương đang bị cô lập
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu (đơn vị có thiệt hại nặng nề nhất), cho biết tính đến 16 giờ cùng ngày, trên địa bàn tỉnh đã có 11 người chết, 11 người mất tích và bảy người bị thương. Hàng chục căn nhà bị cuốn trôi… Thiệt hại về tài sản khoảng 95 tỉ đồng. “Hiện một số xã của các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ đang bị đất đá vùi lấp, chia cắt không thể vào được” - ông Um thông tin.
Cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cho biết đơn vị trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT tại các huyện khẩn trương khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tỉnh cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương và mất tích.
Tỉnh đang huy động mọi lực lượng tìm kiếm người mất tích. Kiểm tra, rà soát, thực hiện di dời khẩn cấp đối với các hộ có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Đặc biệt, tỉnh đang theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó khi xảy ra thiên tai. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng huy động lực lượng khắc phục các tuyến giao thông nhằm giúp người dân đi lại…
Tương tự, tại Hà Giang và các địa phương bị ảnh hưởng khác cũng đang khắc phục hậu quả, di chuyển người ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Lũ quét, sạt lở đất đá gây thiệt hại nặng tại Lai Châu. Ảnh: CT
Khẩn trương cứu người bị nạn, tìm người mất tích
“Đa số người thiệt mạng trong lúc đi lán, đi nương. Điều này cho thấy công tác cảnh báo phòng ngừa và ứng phó chưa cụ thể và thiếu sự quyết liệt” - ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT, nhận định tại cuộc họp vào sáng cùng ngày.
Ông khẳng định Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã cảnh báo mưa lớn và lũ sớm từ ngày 22-6. Ngay sau đó, đơn vị đã chuyển thông tin này đến ban chỉ đạo PCTT&TKCN tại các địa phương “nhưng chưa dự báo lượng mưa lớn trong thời gian ngắn, cần khắc phục...” - ông Sơn nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, ông yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, sớm khắc phục hậu quả bão lũ, chú trọng công tác cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, tập trung lực lượng và máy móc thông các tuyến giao thông và sửa lại nhà cửa cho người dân. Bên cạnh đó, phải chỉ đạo địa phương tăng cường công tác kiểm tra ở các vị trí xung yếu dễ xảy ra lũ quét để di dân đến nơi an toàn.
Ông cũng cảnh báo những ngày tới nguy cơ sạt lở đất và lũ quét rất cao và ở diện rộng hơn, các đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm cho người dân; kiểm tra an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến QL…
Nguy cơ lũ quét, sạt lở tăng Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Lô tại Hà Giang đang xuống. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đang ở mức dưới báo động 2. Trên sông Đà, lưu lượng nước đến hồ Lai Châu duy trì ở mức cao. Do thủy điện Lai Châu mở năm cửa xả mặt từ 14 giờ ngày 25-6, lưu lượng đến hồ Sơn La tăng nhanh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, mức rủi ro thiên tai cấp 1. |