Sạt lở, lũ quét tại Lai Châu ở mức rủi ro thiên tai cấp 2

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị giông sét và radar thời tiết, khu vực các tỉnh Lai Châu, Điện Biên đang hình thành mây đối lưu nên tiếp tục gây mưa to ở khu vực này.

Lũ đang lên trên sông Thao tại Yên Bái; trên sông Đà lưu lượng đến hồ Lai Châu tăng nhanh. Mực nước lũ tại Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu từ báo động 1 đến xấp xỉ báo động 3.

Lưu lượng nước đến hồ Lai Châu tiếp tục tăng, cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang ở cấp 1.

Theo thống kê ban đầu, mưa lũ trong các ngày qua làm chín người chết, tám người mất tích, nhiều vùng sâu, vùng xa đang bị chia cắt.

Cụ thể, tám người mất tích do lũ cuốn trôi và năm người bị thương đều ở tỉnh Lai Châu. Mưa lũ cũng làm 47 nhà bị đổ, cuốn trôi, gia súc, gia cầm, hoa màu... bị thiệt hại nặng.

Công tác di dời, thống kê, tìm kiếm đang tiếp tục được các địa phương triển khai gấp rút.

Theo quy định (Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ), rủi ro thiên tai cấp 1 thì ít có khả năng gây thiệt hại về người, vật nuôi; khả năng gây thiệt hại đến tài sản, công trình hạ tầng, môi trường không lớn.

Cấp 2 (rủi ro trung bình) là có khả năng gây thiệt hại về người, vật nuôi; có khả năng gây thiệt hại đáng kể đến tài sản, công trình hạ tầng và gây tác hại tương đối lớn đến môi trường.

(…) Cấp 5 (thảm họa) là có khả năng gây thiệt hại rất lớn về người; vật nuôi; dịch bệnh phát sinh, cộng đồng dân cư không đủ khả năng phục hồi thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai; có khả năng gây phá hủy tài sản, các công trình hạ tầng, thiệt hại nặng nề về tài chính, cần trợ giúp từ bên ngoài; môi trường có khả năng bị tàn phá nặng nề, gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, không có khả năng phục hồi.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm