3 băn khoăn về đề xuất xử phạt nhà báo, luật sư

(PLO)-  Việc ban hành chế tài xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết nhưng một số hành vi được nêu tại dự thảo còn gây nhiều băn khoăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (HĐTT).

Việc ban hành Pháp lệnh xử phạt đối với những hành vi cản trở HĐTT là điều cần thiết để tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở HĐTT của cơ quan, người có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số hành vi vi phạm được đề xuất xử phạt tại Dự thảo vẫn gây khá nhiều băn khoăn.

Khi nào nhà báo bị phạt nếu ghi âm, ghi hình?

Điều 23 của dự thảo về Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp quy định: Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh HĐXX không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ sẽ bị xử phạt từ 7-15 triệu đồng.

Vậy quy định này được hiểu như thế nào là đúng?

Theo tên Điều 23 (Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp) thì có thể hiểu tinh thần của điều luật là xử phạt những hành vi vi phạm nội quy phiên tòa.

Dẫn chiếu tới nội quy phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính. Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 153 của Luật Tố tụng hành chính quy định rõ nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX/đương sự, người tham gia tố tụng phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa/đương sự, người tham gia tố tụng. Điều này nhằm đảm bảo quyền nhân thân của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, đối với phiên tòa hình sự, nội quy phiên tòa quy định tại Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không hề có quy định về việc nhà báo khi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải xin phép.

Trong khi đó, theo logic lập pháp trong dự thảo Pháp lệnh, có thể hiểu rằng việc ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh HĐXX (cả phát trực tiếp) trong cả phiên tòa hình sự mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa thì sẽ bị phạt. Rõ ràng quy định này trong dự thảo Pháp lệnh không phù hợp với quy định về nội quy phiên tòa trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trong khi Bộ luật này có giá trị pháp lý cao hơn Pháp lệnh.

Ngoài ra, nếu Dự thảo này được thông qua thì trong quá trình triển khai có cơ chế nào hỗ trợ nhà báo khi tác nghiệp hay không. Ví dụ trong phần thủ tục trước khi xét xử HĐXX sẽ có phần thông báo về việc có cho phép ghi âm, ghi hình; hay là hỏi các đương sự ai cho phép ghi âm, ghi hình… Bởi nếu một phiên tòa có nhiều nhà báo tham dự, mỗi một nhà báo đi hỏi từng người thì chắc chắn sẽ xảy ra sự hỗn loạn, mất trật tự.

Đồng thời, khi đi xin phép thì lấy gì làm bằng chứng là Chủ tọa hay đương sự đồng ý, bởi ở thời điểm họ chưa đồng ý thì không được ghi âm, ghi hình…

Phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên tòa. Ảnh minh họa: TRƯỜNG GIANG

Phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên tòa. Ảnh minh họa: TRƯỜNG GIANG

Nhà báo phải xuất trình gì tại tòa để không bị phạt?

Bên cạnh quy định về việc xử phạt khi ghi âm ghi hình đối với nhà báo, Dự thảo pháp lệnh còn quy định về việc xử phạt nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa. Mức phạt là từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Với quy định trên, để không bị phạt thì liệu nhà báo có phải đồng thời có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác hay không (điều luật sử dụng từ “và”)?

Trong khi đó, theo quy định tại Luật báo chí 2016, nhà báo được quyền đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Và thực tế tác nghiệp hiện nay, đối với các phóng viên mới vào nghề, chưa được cấp thẻ nhà báo thì được nhiều tòa án đồng ý cho phép tác nghiệp khi có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí chủ quản.

Phải nhắc lại là trước đây, khi TAND Tối cao ban hành Thông tư 01/2014 về nội quy phiên tòa đã gây nhiều khó khăn cho nhà báo khi yêu cầu “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho Thư ký phiên tòa…”.

Sau đó, Thông tư 02/2017 thay thế Thông tư 01/2014 đã bỏ quy định trên mà quy định chung là người tham dự phiên tòa phải xuất trình giấy tờ có liên quan cho thư ký phiên tòa, dẫn về quy định Nội quy phiên tòa tại ba Luật, Bộ luật tố tụng (cũng không quy định cụ thể).

Luật sư khi trình bày ý kiến mà ngồi thì có bị xử phạt hay không?

Điểm c Khoản 1 Điều 23 Dự thảo quy định phạt tiền 100.000 đồng đến 500.000 đồng nếu không đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án, khi HĐXX tuyên án, khi trình bày ý kiến, khi hỏi hoặc khi được hỏi mà không được Chủ tọa phiên tòa cho phép.

Nếu chiếu theo nội quy phiên tòa tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, cá nhân khi trình bày ý kiến phải đứng nhưng lại ngồi mà không được chủ tọa đồng ý, gây trở ngại cho việc xét xử thì sẽ bị xử phạt.

Câu hỏi đặt ra là luật sư (LS) khi trình bày ý kiến, khi hỏi mà ngồi thì có bị xử phạt hay không? Bởi việc LS phải đứng hay được phép ngồi khi trình bày ý kiến, khi hỏi hiện vẫn có quan điểm trái chiều (Xem Tại đây).

Vậy phải chăng, để tạo sự thống nhất trong cách hiểu cũng như để việc xử phạt được rõ ràng, pháp lệnh nên làm rõ đối tượng bị xử phạt là ai, thậm chí cũng cần làm rõ nếu LS xét hỏi mà ngồi khi chưa được chủ tọa cho phép thì có bị xử phạt không. Bởi như PLO đã từng thông tin, việc LS đứng hay ngồi khi xét hỏi cũng có quan điểm trái chiều về việc có quy định bắt buộc hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm