3 “bông hoa” dân tộc Chứt cùng đậu đại học

(PLO)- Mặc dù gia cảnh vô cùng khó khăn nhưng ba nữ sinh người dân tộc Chứt vẫn kiên trì theo đuổi con chữ và cùng đậu đại học với điểm số cao, ước mơ về lại phục vụ bản làng.

Những ngày qua, thôn bản người đồng bào dân tộc Chứt (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vẫn râm ran câu chuyện về ba nữ sinh phấn đấu đậu Trường Đại học (ĐH) Quảng Bình với điểm số trên 25.

Nhiều lần tính nghỉ học để phụ giúp mẹ

Ba nữ sinh đó là em Cao Thị Lệ Hằng (trú tại bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa - người Rục), em Hồ Thị Lích (trú tại bản Ba Lóoc, xã Dân Hóa - người Mày) và em Nguyễn Thị Kim Chi (trú tại thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn - người Sách). Cả ba em cùng sinh năm 2004.

Từ ngày nhận giấy báo đậu ĐH , các em như những “bông hoa” làm sáng rực cả một vùng biên giới huyện Minh Hóa. Để có được điểm số đậu ĐH cao, các em đã nỗ lực vượt qua khó khăn rất nhiều.

Trong số ba nữ sinh, Cao Thị Lệ Hằng có hoàn cảnh khó khăn nhất. Hằng là con thứ sáu trong gia đình có tám anh chị em, ngay từ nhỏ đã phải chịu cảnh thiệt thòi khi thiếu vắng tình cảm của người cha. Một mình mẹ Hằng gồng gánh, làm thuê để nuôi các con ăn học. Đã rất nhiều lần Hằng có ý định nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ và các anh nhưng được sự động viên của thầy cô, sự giúp đỡ của Đồn biên phòng Cà Xèng (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình) nên Hằng quyết chí học tiếp.

Ba nữ sinh Nguyễn Thị Kim Chi, Cao Thị Lệ Hằng, Hồ Thị Lích (từ phải sang) rạng rỡ ở Trường ĐH Quảng Bình. Ảnh: BT

Kinh tế gia đình khó khăn nên những năm học cấp I, cấp II em không dám mơ ước mình sẽ học tiếp lên ĐH , chỉ nghĩ học xong cấp III rồi mới dám tính tiếp. Nhưng khi học cấp III, được sự giúp đỡ từ chương trình nâng bước em tới trường của các chú bộ đội ở bản Mò O Ồ Ồ và sự động viên, định hướng của thầy, cô giáo nên em quyết tâm học lên ĐH . Có một lần về nhà, nhìn thấy các em nhỏ vui đùa ở bản thì em lại khao khát được trở thành cô giáo để đưa những trò chơi, kiến thức mới đến với các em” - Hằng tâm sự.

Cả nhà chỉ có 20.000 đồng

Tương tự, Hồ Thị Lích là con thứ tư trong gia đình có sáu chị em, trong đó có hai chị bị câm điếc bẩm sinh. Lích kể thời còn học cấp I, cấp II, để đến được với trường học thì em phải di chuyển hơn 2 tiếng đồng hồ từ bản Ba Lóoc (xã Dân Hóa) đến thị trấn Quy Đạt. Nhà xa, gia đình lại vất vả, không có tiền, Lích suýt nghỉ học mấy lần.

“Có đợt em học lớp 6, cả nhà chỉ còn 20.000 đồng nhưng mẹ vẫn cho em để em có tiền về lại điểm trường. Sau hơn 2 tiếng đi xe về đến trường, cả tuần đó trong người em không có tiền, hết xà phòng giặt áo quần cũng phải đi xin các bạn giúp đỡ” - Lích tâm sự.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình tiếp sức cho em Hằng

Sau khi hay tin về gia cảnh khốn khó của em Cao Thị Lệ Hằng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã quyết định hằng tháng trích 3 triệu đồng tiền lương của mình để hỗ trợ sinh hoạt phí cho Hằng. Khoản hỗ trợ này sẽ được chu cấp trong suốt bốn năm Hằng theo học tại Trường ĐH Quảng Bình.

Lên cấp III, đường đến trường của Lích mới đỡ gian nan hơn khi em được học ở trường nội trú tỉnh, không phải đi xa như cấp I, cấp II.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ba anh em, nơi sinh sống của Nguyễn Thị Kim Chi thường xảy ra lũ lụt, sạt lở nhưng được sự ủng hộ của cha mẹ, sự động viên của thầy cô nên em luôn nỗ lực học tập. Những người bạn thân của em đều lần lượt bỏ lớp nhưng em vẫn kiên trì theo đuổi con chữ.

Côgiáo bản làng tương lai

Có điểm đặc biệt là ba “bông hoa” của núi rừng Minh Hóa đều lựa chọn ngành sư phạm để viết tiếp giấc mơ trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng ở bản làng.

Em Kim Chi và em Lích hiện đang theo học ngành giáo dục tiểu học, còn em Hằng theo học ngành sư phạm mầm non tại Trường ĐH Quảng Bình.

Con đường vào ĐH của em ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự đồng hành, hỗ trợ của các chú bộ đội biên phòng và các thầy cô giáo tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Quảng Bình.

“Tôi rất vui khi nghe tin các em đỗ ĐH, kết quả này khẳng định sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các em. Nhưng gia cảnh của các em rất nghèo, đặc biệt là gia đình em Hằng rất vất vả. Là cô giáo của các em, tôi chỉ hy vọng các nhà hảo tâm có thể chung tay, góp sức để các em yên tâm viết tiếp ước mơ trở thành cô giáo tương lai” - cô Nguyễn Thị Dung (giáo viên chủ nhiệm của em Hằng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Quảng Bình) chia sẻ.

Dù đã bước vào giảng đường ĐH nhưng chặng đường phía trước của ba cô gái người dân tộc Chứt còn rất dài và còn nhiều khó khăn. Để hỗ trợ, Trường ĐH Quảng Bình đã bố trí chỗ ở tại ký túc xá của trường cho các em có nơi sinh hoạt cũng như yên tâm theo học.

Người Rục đầu tiên đậu ĐH

Dân tộc Chứt ở Quảng Bình được hình thành từ năm nhóm tộc ít người gồm: Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng. Địa bàn cư trú của dân tộc Chứt phân bố ở 29 bản vùng biên giới thuộc huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch.

Trong đó, người Rục được lực lượng chức năng và chính quyền phát hiện cách đây khoảng 65 năm trong các hang, lèn giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. Em Cao Thị Lệ Hằng là người đầu tiên của người Rục đậu ĐH với 25,5 điểm.

Đại diện Đồn biên phòng Cà Xèng, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình trao tiền hỗ trợ em Cao Thị Lệ Hằng nhập học. Ảnh: Đồn biên phòng Cà Xèng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới