3 cách xử lý 11.370 nhà, đất tái định cư bỏ không

UBND TP.HCM vừa có báo cáo số liệu kiểm kê và đánh giá tổng thể thực trạng, hiệu quả trong công tác quản lý quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó đề ra chủ trương sử dụng quỹ nhà, đất tái định cư (TĐC) theo ba hướng cụ thể.

TP.HCM sử dụng theo ba cách

Trong báo cáo tổng hợp số liệu kiểm kê và đánh giá tổng thể thực trạng, hiệu quả trong công tác quản lý quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu: “Nhà ở, đất ở phục vụ TĐC TP hiện có 11.370 nhà, đất, trong đó có 9.173 căn hộ và 2.197 nền đất chưa sử dụng tại 161 dự án”.

Với số nhà và đất chưa sử dụng này, TP xác định chủ trương theo ba hướng. Thứ nhất, phân bổ cho quận, huyện để phục vụ TĐC cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích là 3.426 căn hộ và nền đất (2.396 căn và 1.030 nền). Thứ hai, bán đấu giá 5.063 căn hộ và nền đất (5.022 căn và 41 nền đất).

Thứ ba, dự phòng 2.881 căn hộ và nền đất (1.755 căn và 1.126 nền) để phục vụ di dời các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng như cháy nổ, sạt lở bờ sông, kênh rạch, di dời người dân sống trong các chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng cần thiết theo quy định.

Theo UBND TP, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP đã có chủ trương sử dụng 5.402 căn hộ trong tổng thể 9.173 căn hộ để thành lập các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị cho các bệnh nhân.

Cạnh việc đề ra chủ trương xử lý nhà, đất  TĐC chưa sử dụng, UBND TP cũng đề xuất xử lý dứt điểm việc thanh quyết toán nguồn vốn đối với quỹ nhà ở, đất ở TĐC. Theo đó, về nguyên tắc, quỹ nhà ở, đất ở TĐC bố trí cho dự án nào thì thực hiện quyết toán cho dự án đó. Chi phí mua nhà ở, đất ở TĐC thuộc chi phí bồi thường.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Ảnh minh họa: VIỆT HOA

Do đó, chủ đầu tư dự án có sử dụng quỹ nhà ở, đất ở TĐC lập hồ sơ quyết toán dự án theo quy định trình cấp thẩm quyền thẩm tra phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư mua thông qua Ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện để bố trí cho các hộ dân thì các chủ đầu tư; các hộ dân nộp tiền cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) hoặc các quận, huyện.

“Sau đó, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng và các quận, huyện có trách nhiệm nộp vào ngân sách TP. Sau khi Sở Xây dựng có báo cáo, UBND TP sẽ sớm xem xét, chỉ đạo nội dung này” - báo cáo của UBND TP nêu.

Nhiều nơi không dám bán đấu giá

“Việc tồn đọng lớn nhà, đất TĐC là câu chuyện không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác và điều này đã tồn tại nhiều năm nay” - ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết.

Ông Đính cho biết quỹ nhà ở TĐC tồn đọng có dự án do Nhà nước làm, đầu tư xong không dùng được là lãng phí; có dự án do doanh nghiệp làm xong không thu hồi được vốn gây bức xúc cho doanh nghiệp. “Đây là một vấn đề bất cập, do quy chế, quy định cũ để lại. Bây giờ các luật về TĐC đã thông thoáng hơn, nó có nhiều cái theo quy luật thị trường…” - ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, nhiều lần các doanh nghiệp và địa phương kiến nghị mang ra bán đấu giá hoặc chuyển dự án từ nhà ở TĐC sang thương mại, xong thì nộp lại tiền chênh lệch cho ngân sách. Tuy nhiên, nhiều nơi không dám làm vì sợ như vậy là xé rào, trong khi nếu cứ để vậy thì nhà ở xuống cấp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (một đơn vị phát triển và phân phối BĐS), thì nhu cầu nhà ở dành cho người lao động hiện ở mức cao. Quan sát nhóm người tuổi 28-35 thấy tỉ lệ sở hữu nhà riêng còn thấp. Trong khi đó, giá bán 1,8-2,5 tỉ đồng căn hộ hai phòng ngủ chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung, lại khá xa tầm tay của họ.

“Cần thiết có sự can thiệp của Nhà nước để tạo ra các sản phẩm nhà ở dưới 1,5 tỉ đồng, diện tích khoảng 60 m2. Nhà nước có thể tính toán để tận dụng quỹ nhà ở TĐC còn chưa sử dụng, vì đây có thể là quỹ nhà hợp lý với đa số người lao động” - ông Việt cho hay.

Tuy nhiên, ông Việt cũng lưu ý cần minh bạch thông tin dự án, tiếp thị đến đúng đối tượng và có chế tài mạnh mẽ các hành vi đầu cơ. Có như vậy, người lao động thu nhập ổn định mới có thể sớm hiện thực hóa giấc mơ an cư, lạc nghiệp.

 

Dự kiến năm 2030 tổng diện tích nhà ở là 295 triệu m2 sàn

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2. Dự kiến đến năm 2030, tổng diện tích nhà ở của TP đạt được 295 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 26,5 m2.

Theo điều tra dân số và nhà ở, đầu năm 2020, TP.HCM có khoảng 1,92 triệu căn nhà, trong đó nhà ở riêng lẻ chiếm hơn 88%, còn lại là căn hộ chung cư; mật độ nhà ở trung bình là 913 căn/km2, thấp nhất tại huyện Cần Giờ là 29 căn/km2, cao nhất tại quận 4 với 10.894 căn/km2. Trong đó, còn 13.770 căn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm