3 chiêu lừa đảo du lịch cuối năm bạn cần cảnh giác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Nhu cầu tìm kiếm các tour nghỉ dưỡng và thông tin du lịch cuối năm tăng cao đã vô tình tạo điều kiện cho kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc của người tiêu dùng.

1. Mạo danh các công ty du lịch

Đầu tiên, kẻ gian sẽ tạo ra các fanpage Facebook, website mạo danh các công ty du lịch phổ biến, sau đó chạy quảng cáo trên mạng xã hội để chào bán các tour du lịch cuối năm giả mạo. Đơn cử như tour du lịch đi Nhật Bản nhưng chỉ 6,69 triệu đồng/người, một mức giá không tưởng cho chuyến đi nghỉ mát 6 ngày tại xứ sở hoa Anh Đào.

Tạo page giả mạo Du Lịch Việt để chào mời các tour du lịch giá rẻ bất ngờ.
Tạo page giả mạo Du Lịch Việt để chào mời các tour du lịch cuối năm giá rẻ bất ngờ.

Để tăng thêm độ uy tín, kẻ gian còn làm giả các chứng từ, hợp đồng cam kết, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% rồi chiếm đoạt.

Một hình thức khác là kẻ gian sẽ đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỉ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.

2. Lừa tiền đặt cọc khách sạn

Trước đó không lâu, Phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt đã tiếp nhận một số trường hợp về việc du khách bị lừa mất tiền cọc khách sạn khi đặt phòng trước.

Cụ thể, kẻ gian sẽ sử dụng hình ảnh của các villa, khách sạn đẹp mắt và đăng tải lên các fanpage Facebook có lượt tương tác cao để tìm kiếm “con mồi”. Khi có người hỏi thông tin về giá cả, kẻ gian sẽ yêu cầu du khách đặt cọc trước 50% để giữ phòng.

Để tạo lòng tin, kẻ gian đã sử dụng CCCD/CMND giả có họ tên trùng với tên tài khoản ngân hàng. Sau khi du khách chuyển tiền, kẻ gian sẽ ngay lập tức chặn liên lạc và biến mất không dấu vết.

Hình thức lừa đảo đặt phòng du lịch cuối năm để chiếm tiền cọc vốn không phải là mới nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của kẻ gian.

Lừa đảo đặt cọc và chiếm thông tin của nạn nhân trong mùa du lịch cuối năm. Ảnh: Pexels
Lừa đảo đặt cọc và chiếm thông tin của nạn nhân trong mùa du lịch cuối năm. Ảnh: Pexels

Trước đó, Phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt đã công khai số điện thoại đường dây nóng 0912.903.178 và 02633.822.342 để du khách có thể liên lạc để kiểm tra độ uy tín của cơ sở lưu trú, trước khi tiến hành đặt cọc.

3. Rủ rê vào nhóm Telegram làm nhiệm vụ

Chưa dừng lại ở đó, kẻ gian còn chủ động liên hệ với nạn nhân và rủ rê tham gia vào nhóm Telegram để trao đổi, làm nhiệm vụ nhấn like quảng cáo để được thưởng tiền từ 50.000 đồng và tăng dần lên đến hàng trăm triệu.

Lừa đảo rủ rê vào nhóm Telegram làm nhiệm vụ.
Lừa đảo rủ rê vào nhóm Telegram làm nhiệm vụ.

Với đủ các chiêu trò lừa đảo du lịch cuối năm, nếu ước tính mỗi ngày kẻ gian lừa gạt một vài nạn nhân thì thiệt hại rất nhiều.

Trong bối cảnh ngày du lịch đang phục hồi sau dịch COVID-19, việc xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo liên quan sẽ gây tác động xấu đến tâm lý thị trường, ảnh hưởng các nỗ lực phục hồi kinh doanh ngành du lịch nói riêng và thị trường chung.

Công an khuyến cáo gì?

- Thận trọng với yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp tại trụ sở văn phòng công ty và đặc biệt cảnh giác với những lời hẹn thu tiền tại các điểm nhà hàng, quán cafe...

- Người dân nên chọn các website, công ty hoặc trang Facebook uy tín để săn tour giá rẻ, đồng thời gọi điện trực tiếp đến công ty để xác minh lại thông tin.

- Không cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội như họ tên, ngày tháng năm sinh, CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng… hoặc đăng nhập tài khoản trên các website lạ để tránh bị chiếm đoạt.

Ngành du lịch sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2023

Theo báo cáo gần đây của Google và Temasek và Bain & Company, ngành du lịch được dự báo sẽ hoàn toàn hồi phục trong năm nay, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa.

Du lịch trực tuyến đã tăng 82% trong năm qua và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) tăng 21% từ 2023 đến 2025, với mức GMV dự kiến đạt 7 tỉ USD. Mặc dù khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại hoàn toàn, sự hồi phục của các đường bay quốc nội và quốc tế sau đại dịch đã góp phần thúc đẩy cho ngành du lịch Việt Nam.

Đọc thêm