3 điểm chú ý của dự thảo quy định về xin lỗi đảng viên bị kỷ luật oan

(PLO)- Lần đầu tiên dự thảo quy định của Bộ Chính trị về xin lỗi đảng viên bị kỷ luật oan được đặt ra một cách cụ thể, kể cả việc xem xét trách nhiệm với người gây ra kỷ luật oan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một điểm chú ý trong công tác hoàn thiện thể chế Đảng từ sau Đại hội XIII là Ban chấp hành (BCH) Trung ương ra văn bản nói rõ “đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi”, đồng thời giao Bộ Chính trị ban hành quy định cụ thể làm căn cứ thi hành.

Nội dung này được ghi rõ tại Quy định số 22-QĐ/TW của BCH Trung ương khóa XIII ngày 28-7-2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Chết rồi cũng sẽ được minh oan

Để cụ thể hóa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang chủ trì soạn thảo quy định của Bộ Chính trị chi tiết về khái niệm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc xin lỗi, phục hồi danh dự, quyền lợi đối với đảng viên bị kỷ luật oan.

Dự thảo văn bản đã được gửi về các tỉnh, thành ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trung ương để góp ý hoàn thiện.

Theo dự thảo, văn bản khá chi tiết này được thể hiện ở dạng quy định của Bộ Chính trị gồm bốn chương, 19 điều.

Họp giao ban Vụ Địa bàn V - Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: HỒNG PHÚC

Họp giao ban Vụ Địa bàn V - Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: HỒNG PHÚC

Bộ Chính trị ban hành quy định này để điều chỉnh về nội dung, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi, phục hồi danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp với đảng viên bị kỷ luật oan. Nhưng nếu xuất hiện tình huống oan chưa được quy định rõ ở quy định thì vẫn có thể căn cứ vào hệ thống các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng giải quyết cụ thể.

Về phạm vi điều chỉnh, quy định áp dụng với đảng viên bị tổ chức Đảng kỷ luật oan, kể cả trường hợp đảng viên đã chết hoặc được tòa án tuyên bố mất tích.

Theo dự thảo, đảng viên bị kỷ luật oan là trường hợp đảng viên (1) không vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng; (2) cũng không vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, quy định của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên; (3) mà bị tổ chức Đảng kết luận là có vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Căn cứ để xác định đảng viên bị kỷ luật oan là quyết định của tổ chức Đảng có thẩm quyền về việc đảng viên bị kỷ luật oan. Trường hợp đảng viên bị kỷ luật oan xuất phát từ kỷ luật hành chính, kỷ luật của các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức kỷ luật khác theo pháp luật mà sau đó tòa án, cơ quan có thẩm quyền kết luận là oan thì đó cũng là căn cứ để xin lỗi, phục hồi quyền lợi.

Khi đã có căn cứ nêu trên thì tổ chức Đảng từng thi hành kỷ luật oan phải có trách nhiệm kịp thời tổ chức hội nghị công bố thu hồi, bãi bỏ quyết định kỷ luật oan đã ban hành và công khai cải chính, sửa lỗi. Ngoài ra, căn cứ vào các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để kịp thời phục hồi danh dự, quyền lợi cả tinh thần, vật chất cũng như bồi thường thiệt hại cho đảng viên bị hàm oan.

Cũng theo dự thảo, Đảng sẽ xử lý nghiêm minh và xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân đã sai phạm gây ra kỷ luật oan; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu tổ chức Đảng đã kỷ luật oan đảng viên.

Kỷ luật đảng bị oan: Rất hiếm

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII, cho biết vấn đề giải quyết cho đảng viên bị kỷ luật oan đã được đặt ra từ nhiều khóa trước, nay Trung ương khóa XIII quyết định hoàn thiện thể chế là đáng mừng.

“Ý nghĩa chính là để thể chế về kiểm tra, kỷ luật đảng được hoàn thiện. Sao cho về mặt quy định thì vừa nghiêm khắc, nghiêm minh nhưng thấm đượm tình đồng chí. Còn trong thực tế, khả năng đảng viên bị kỷ luật đến mức độ oan là rất thấp. 15 năm tôi làm công tác kiểm tra chưa thấy trường hợp nào đảng viên bị kỷ luật oan cả” - bà Ngà nói.

Cũng theo vị cán bộ kiểm tra lâu năm này, ngay cả đơn khiếu nại của đảng viên bị kỷ luật cũng chiếm tỉ lệ rất thấp so với tổng số trường hợp đảng viên bị thi hành kỷ luật. “Tất cả đều có số liệu, báo cáo tổng kết. Điều đó cho thấy việc xem xét, thi hành kỷ luật đảng là rất thận trọng, nhân văn” - bà Ngà chia sẻ.

Bốn trường hợp bị kỷ luật oan không được xin lỗi, bồi thường

Quy định của Bộ Chính trị được dự thảo theo hướng giải quyết triệt để các khía cạnh của từng trường hợp đảng viên bị kỷ luật oan, kể cả khi đảng viên đó đã chết, mất tích. Tuy nhiên, dự thảo cũng liệt kê bốn trường hợp đảng viên bị kỷ luật oan nhưng không được xin lỗi, phục hồi danh dự, quyền lợi. Cụ thể:

1. Từ khi bị kỷ luật, người đó không giữ được tư cách, tiêu chuẩn đảng viên, có vi phạm bị kết luận đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật hoặc đang bị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, xử lý;

2. Nhận lỗi thay cho người khác dẫn đến bị kỷ luật oan;

3. Từ chối việc xin lỗi, phục hồi danh dự, quyền lợi;

4. Lợi dụng việc mình bị oan để đơn từ, tố cáo, đăng bài hạ thấp uy tín của tổ chức Đảng, đảng viên đã làm oan mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm