Theo dự thảo, kỳ thi sẽ tổ chức thi năm bài: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với GDTX).
Trừ ngữ văn thi tự luận, bốn bài còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này được chấm bằng phần mềm máy tính.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tấn Khoa
Thi trắc nghiệm: Thí sinh không được rời phòng thi
Điểm mới của kỳ thi năm nay là trong suốt thời gian làm bài môn trắc nghiệm, thí sinh không được rời khỏi phòng thi. Đối với môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài và phải nộp bài kèm đề thi, giấy nháp.
Thí sinh được thi cả hai bài tự chọn
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi bốn bài, gồm ba bài bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài tự chọn hoặc là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Thí sinh giáo dục thường xuyên phải dự thi ba bài, gồm toán, ngữ văn và một bài tự chọn (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội).
Thí sinh được dự thi cả hai bài khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, điểm bài nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Việc thi cả năm bài đối với thí sinh THPT và bốn bài đối với hệ giáo dục thường xuyên cũng sẽ tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Đây là điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.
Nội dung thi THPT quốc gia 2017 vẫn nằm trong chương trình lớp 12 THPT, năm 2018 mở rộng sang cả chương trình lớp 11. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình toàn cấp THPT.
Thí sinh tự do thi phòng riêng
Một điểm mới nữa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT sẽ phải thi ở phòng riêng. Nhóm này được xếp phòng thi ở một hoặc một số điểm do giám đốc Sở GD&ĐT quyết định. Thí sinh giáo dục thường xuyên cũng được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài khoa học xã hội.
Dự thảo nêu rõ mỗi phòng thi tối đa 24 thí sinh, khoảng cách tối thiểu giữa hai người ngồi cạnh nhau là 1,2 m theo hàng ngang.
-------------------------------
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vẫn thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi do Bộ GD&ĐT cung cấp. Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng của Bộ.
Điểm bài thi trắc nghiệm được quy đổi bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Điểm bài thi tự luận lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Trong dự thảo cũng nêu rõ, nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi, có thể trình bộ trưởng GD&ĐT quyết định một trong các hình thức: Đình chỉ tạm thời hoạt động thi hoặc tổ chức thi lại trong hội đồng thi hoặc trong cả nước; đình chỉ hoạt động, xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo Hội đồng thi và thành viên của hội đồng thi mắc sai phạm; đề xuất Bộ trưởng GD&ĐT thành lập hội đồng chấm thẩm định, các đoàn thanh tra.
Dự thảo cũng quy định thành viên Ban chỉ đạo thi quốc gia không đến thanh tra, kiểm tra tại hội đồng thi có cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng (gọi chung là người thân) dự thi trong năm tổ chức kỳ thi.
Kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng trên cơ sở xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, cao đẳng nên đề thi sẽ có mức độ phân hóa kiến thức nhằm phục vụ hai mục đích trên. Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút/môn. Bài thi toán có 50 câu trắc nghiệm, làm trong 90 phút; ngoại ngữ 50 câu thi trong 60 phút. Mỗi câu trắc nghiệm có bốn phương án trả lời, thí sinh chọn một đáp án đúng.
Kỳ thi sẽ diễn ra trong hai ngày đầu tháng 6-2017.