3 giải pháp của dự án 'đánh thức rồng xanh' sông Sài Gòn

(PLO)- Sở QH-KT TP.HCM đưa ra ba giải pháp dài hạn và ba vấn đề đặt ra đối với dự án “đánh thức rồng xanh” sông Sài Gòn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở QH-KT TP.HCM vừa giới thiệu dự án “đánh thức rồng xanh” trong đề án quy hoạch phát triển bờ kè sông để phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn trong tương lai.

Theo đó, Sở QH-KT đưa ra giải pháp dài hạn trong 5-10 năm tới với ba nội dung chính: Chính sách - cơ chế quản lý, tài chính, triển khai các dự án thành phần.

Ba giải pháp dài hạn

“Sông Sài Gòn là một tài nguyên đặc biệt của TP về mặt tự nhiên và văn hóa lịch sử. Sông có vai trò quan trọng về môi trường nhưng tiềm năng của sông chưa được xem xét và tích hợp đầy đủ trong các đồ án quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng và TP.HCM” - TS - kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM, cho biết.

Theo đó, Sở QH-KT nhận định cơ sở hạ tầng và các cơ sở công cộng ven sông cũng chưa được lập kế hoạch và xây dựng tốt. Bờ chống lụt dọc theo sông chưa hoàn thành, việc xâm phạm bờ sông vẫn là một vấn đề tại một số khu vực.

Sở QH-KT đưa ra ba giải pháp để thực hiện dự án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn
Sở QH-KT đưa ra ba giải pháp để thực hiện dự án “đánh thức rồng xanh”. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sở QH-KT cũng nhận định hiện TP cũng thiếu cơ chế và khuôn khổ để thực hiện kế hoạch phát triển sông. Nguồn kinh phí tài trợ cho những nghiên cứu toàn diện và đầy đủ cùng các nguồn lực thực thi khác chưa được xác định.

Vì vậy, để quản lý hành lang không gian kiến trúc và phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, Sở QH-KT đã giới thiệu dự án “đánh thức rồng xanh” với ba giải pháp chính trong 5-10 năm tới.

Thứ nhất, giải pháp về chính sách và cơ chế quản lý: Định kỳ tái định nghĩa các chính sách, cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho toàn bộ hệ thống hành lang sông, lập kế hoạch quy hoạch dọc theo sông, phát triển hướng dẫn thiết kế đô thị.

Thứ hai, giải pháp về tài chính: Tiếp tục công tác phát triển các quỹ đầu tư, nguồn lực kinh tế lớn cho hành lang sông. Cấu trúc và tích hợp thêm nguồn vốn các nguồn lực khác để xây dựng cơ sở hạ tầng xanh dựa trên sông. Sử dụng LVC (Land value capture - cơ chế nắm bắt giá trị đất) cho một số trường hợp thí điểm và mở rộng cho toàn bộ hành lang sông.

Thứ ba, triển khai các dự án thành phần: Thành lập và triển khai một trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn như dự án phát triển sử dụng kết hợp trung tâm trung chuyển giao thông gắn với sử dụng đất hỗn hợp (water based TOD), công viên quản lý nước tích hợp và phát triển hành lang xanh đa chức năng.

Đồng thời, TP cũng cần tăng cường mạng lưới tích hợp các loại hình giao thông như tàu thủy, xe buýt đường bộ và xe cá nhân; khám phá dữ liệu và nguồn lực kỹ thuật số cho quản lý đô thị.

Sở QH-KT nhận định cơ sở hạ tầng và các cơ sở công cộng ven sông cũng chưa được lập kế hoạch và xây dựng tốt.

Ba vấn đề cần đặt ra

Ông Tuấn cho rằng để phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn trong tương lai thì có ba vấn đề cần đặt ra để giải quyết trong thời gian tới.

Thứ nhất là giải pháp/cơ chế hợp lý nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho công tác nghiên cứu phát triển. Ví dụ như huy động nguồn lực để nghiên cứu về hành lang sông Sài Gòn.

Vấn đề thứ hai là làm thế nào để kích hoạt kinh tế dịch vụ khu trung tâm đô thị ven sông (như phát triển vịnh du thuyền, kinh tế sông nước hướng biển, ngành công nghiệp hàng hải…).

Vấn đề thứ ba là khả năng lập một tổ chức quản lý phát triển hành lang sông Sài Gòn với cơ chế hợp tác công tư cũng cần được nghĩ đến.

Về ngắn hạn, trước mắt, từ nay đến năm 2025, Sở QH-KT sẽ thực hiện việc quản lý phát triển cơ sở dữ liệu, rà soát các dự án cơ sở hạ tầng đang triển khai và tích hợp vào khuôn khổ phát triển sông Sài Gòn.

“Kinh tế dịch vụ ven sông hướng biển bao gồm những hoạt động kinh tế đô thị với tỉ trọng dịch vụ cao dựa vào yếu tố nước (kênh, rạch, sông nối liền ra biển, như sông Sài Gòn)” - ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cho rằng các hoạt động dịch vụ đô thị gắn với việc khai thác lợi thế của cấu trúc đô thị gắn với hệ thống nước này sẽ tạo nên hệ sinh thái dịch vụ đa chiều. Trong đó, lấy nguyên tắc bền vững về cấu trúc, hệ sinh thái tự nhiên làm nền tảng.

“Các khu vực ven sông là nơi có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các sự kiện giải trí… gắn với nhiều hoạt động dịch vụ, thể thao, y tế và sức khỏe, giáo dục. Không gian dịch vụ đô thị gắn với mặt nước đều có khả năng khai thác những thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên. Từ đó nâng cao chất lượng, tính độc đáo và hấp dẫn của các loại hình, sản phẩm dịch vụ” - ông Tuấn cho biết thêm về tiềm năng của sông Sài Gòn.•

Sắp tổ chức hội thảo tư vấn quy hoạch ven sông

Dự kiến cuối tháng 2, UBND TP.HCM sẽ tổ chức Hội thảo tư vấn quy hoạch hành lang sông Sài Gòn cùng với quy hoạch chung TP.

Trước đó, báo cáo cuối kỳ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (viết tắt là đồ án, đang được lấy ý kiến của chuyên gia và cộng đồng) cũng nêu định hướng phát triển không gian dọc sông Sài Gòn.

Theo đó, mục tiêu của định hướng là: Không gian dọc sông Sài Gòn là trọng tâm phát triển mang tính đột phá trong thế kỷ mới, nhằm đưa TP.HCM lên tầm cao mới, đẳng cấp quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm