Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết: HĐND, UBND quận 7 đã đặt mục tiêu khơi thông, nâng cấp hàng loạt tuyến hẻm với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bên cạnh đó, quận chú trọng thực hiện các dự án liên quận nhằm xóa bỏ nhiều điểm ùn tắc giao thông, góp phần thay đổi diện mạo đô thị.
|
Đường Nguyễn Văn Linh nối vào Khu chế xuất Tân Thuận đã được nâng cấp, góp phần xóa bỏ ùn tắc, khói bụi. Ảnh: Đ.TRANG |
Nhận diện khó khăn và tạo giải pháp
Những năm gần đây, hạ tầng đô thị quận 7 có sự khởi sắc rõ rệt, trong đó nhiều tuyến hẻm được mở rộng, nhiều tuyến đường được nâng cấp, tạo diện mạo khang trang, đẹp mắt.
Đáng chú ý, nhiều tuyến đường huyết mạch khu vực này cũng đã được chú trọng đầu tư. Đơn cử như nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đang được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông) triển khai. Dự kiến năm 2024 nút giao này sẽ hoàn thiện, góp phần xóa bỏ một trong những điểm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện giao thương liên quận và liên khu vực.
Mới đây, đường Nguyễn Văn Linh kết nối với Khu chế xuất Tân Thuận cũng đã được nâng cấp, mở rộng, góp phần xóa bỏ tình trạng ùn tắc, khói bụi.
Ông Lê Văn Thành cho biết quận đang chú trọng đến các dự án liên quận của TP. Đây là những dự án có tác động rất lớn đến giao thông đô thị của quận nói riêng, TP.HCM nói chung. Đơn cử như cầu Phước Long (trong địa phận quận), cầu Rạch Đĩa (kết nối huyện Nhà Bè) là hai dự án sẽ được ưu tiên đầu tư.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các dự án còn nhiều khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo đó, UBND quận 7 tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó vận động người dân bàn giao mặt bằng, cùng nhau chia sẻ và đóng góp cho xã hội.
Những năm gần đây, hạ tầng đô thị quận 7 có sự khởi sắc rõ rệt, trong đó nhiều tuyến hẻm được mở rộng, nhiều tuyến đường được nâng cấp, tạo diện mạo khang trang, đẹp mắt.
Hướng tới Nhà nước và nhân dân cùng làm
Ông Lê Văn Thành cũng cho biết khu vực quận là vùng trũng với đất nền thấp nên dễ ngập. Có hai nguyên nhân chính gây ngập. Thứ nhất, do triều cường; thứ hai là do hệ thống hạ tầng cũ, thấp và không đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay.
Trên cơ sở đó, UBND quận 7 đã đề xuất ba giải pháp nhằm xóa bỏ các nút thắt giao thông, giảm tình trạng ngập úng, từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Thứ nhất, vận động người dân cùng tham gia nâng cấp, mở rộng hẻm. Thứ hai, quận sẽ đầu tư và nâng cấp hàng loạt tuyến đường trên địa bàn. Thứ ba, khảo sát để làm các đường cống ngăn triều, góp phần khắc phục được những hạn chế khi có triều cường và mưa lớn.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng để đạt được các mục tiêu trên sẽ rất khó, đặc biệt khi các dự án hiện nay đều phải dựa vào nguồn vốn nhà nước. Vì vậy, quận đã và đang thực hiện với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết hiện nay cầu Phước Long đang được triển khai thi công, song vẫn bị vướng mặt bằng.
Theo đó, Ban giao thông đang phối hợp với UBND quận 7 nỗ lực vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng. Dự kiến tới quý III-2023, dự án cầu Phước Long sẽ triển khai thi công trở lại và sẽ hoàn thành sau 18 tháng thi công.
Đối với cầu Rạch Đĩa, dự án hiện chưa triển khai thi công nhưng dự kiến công trình này cũng sẽ hoàn thành trong 24 tháng nếu có mặt bằng.
Theo ông Phúc, TP.HCM cũng đang chuẩn bị các bước đầu tư với dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 và TP Thủ Đức). Đồng thời, Sở GTVT cũng đang chuẩn bị nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án cầu vượt Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ để kết nối với quận 7. Từ đó, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông quận 7 nói riêng và TP.HCM nói chung.•
2.400 hộ dân hưởng lợi từ việc cải thiện giao thông
Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết 2.400 hộ dân được hưởng lợi từ việc cải thiện hệ thống giao thông.
Theo đó, trong hai năm qua, thực hiện mở rộng hẻm, người dân quận 7 đã hiến hơn 3.000 m2 đất, ước tính tương ứng số tiền khoảng 117 tỉ đồng. Quận và người dân cùng nâng cấp, mở rộng 26 tuyến hẻm với tổng kinh phí thực hiện 30,5 tỉ đồng.
UBND quận 7 đã thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ quận đến các địa phương để cùng tuyên truyền, vận động người dân các chủ trương và chính sách. “Khi quyết định đầu tư các tuyến hẻm cần mở rộng, người dân sẽ hiểu được quy mô con hẻm, giá trị công trình và lợi ích chính là phục vụ cho cả cộng đồng. Từ những yếu tố đó, người dân thấy được việc đóng góp đó là chính đáng, phục vụ cho chính mình và cộng đồng nên hầu hết người dân đều đồng thuận” - ông Thành cho biết.
Theo đó, mỗi năm UBND quận 7 đã không ngừng cố gắng hoàn thiện, nâng cấp 10 con hẻm và mỗi phường cố gắng hoàn thiện 1-2 con hẻm. “Từ nay đến năm 2025 sẽ hoàn thiện khoảng 50 con hẻm để đáp ứng được nhu cầu của người dân, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế - xã hội” - ông Thành thông tin.