3 kỳ nước mắt của một vở diễn

Đó là một vở diễn kỳ lạ, một vở diễn có ba kỳ nước mắt.
Trước giờ mở màn, đạo diễn đã ôm lấy diễn viên mà khóc. Trong giờ diễn, khán giả đã khóc cho các éo le trong vở. Khép màn lại, khi chào khán giả, các diễn viên đã đứng khóc.
1.
Đó là vở cải lương “Dưới hai màu áo”, kịch bản của nghệ sĩ Kim Cương, được diễn trong buổi tốt nghiệp lớp diễn viên khoa Kịch hát Dân tộc khóa 14 của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Trước khi màn kéo lên, giáo viên hướng dẫn và cũng là đạo diễn vở diễn là nghệ sĩ Hồ Hồng Thắm đã nói trong làn nước mắt rằng cô đã vui biết mấy khi thấy các sinh viên của mình đã chín hơn, sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn, đã đủ sức để đảm trách các vai diễn ở mọi sân khấu.
Và niềm vui ấy cũng chính là nỗi buồn của cô khi nhiệt huyết, tài năng, đam mê của các diễn viên trẻ dành cho kịch hát dân tộc đang có nguy cơ rơi vào khoảng không thăm thẳm khi các sân khấu trình diễn tuồng, cải lương, hát bội… đã xuống đèn, đóng cửa hay dỡ rạp. Các sinh viên ấy biết làm gì với tiếng hát vút cao, với kỹ năng đã được đào tạo và trui rèn của mình?
2.
Vở diễn gần hai tiếng đồng hồ. Các diễn viên trẻ đã làm mới lại một vở diễn cải lương đã nổi danh ở sân khấu Sài Gòn thập niên 60 thế kỷ 20.
Vẫn nét cười về sự ngô nghê của trẻ con, vẫn nét yêu của tình cảm chị em gia đình, vẫn nước mắt của chia lìa từ thơ bé và éo le của hoàn cảnh nhận ra nhau nhưng sau 50 năm, các diễn viên trẻ khiến vở cải lương gần hơn với khán giả không nhiều tuổi ở bên dưới, gần hơn với hơi thở thời sự.
Vẫn là câu chuyện đồng tiền điều khiển toàn bộ hoạt động con người, câu chuyện cũ mà gần đây quá, những cú áp phe bứt người con gái trẻ trung ra khỏi gia đình, lao vào cuộc đi vô tăm tích, vô tác dụng. Chị em không dám nhận nhau, ba mẹ chia lìa con đẻ, tình yêu bị vùi dưới lớp bùn đổi chác, tất cả chỉ để “thành công”, để sinh lợi nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa, để được đảm bảo ở vai trò trưởng giả của xã hội, để được đi nước ngoài, để được mở rộng thêm chút tiện nghi.
"Chúng ta khác gì những diễn viên ấy chăng? Chúng ta cũng khoác màu áo danh vọng, hạnh phúc, tha thiết văn hóa…; nhưng ở phía khác, chúng ta phiền não, lo lắng, hèn nhát, thờ ơ, dửng dưng, nhạt nhòa với xung quanh..."  
Những khán giả bên cạnh tôi đã khóc. Những bàn tay không ngại ngần quẹt mắt, một chàng trai tuổi 20, một thiếu phụ trên 40, một em bé học sinh chưa qua tuổi 15… tất cả đều để lòng cuốn theo, đều chia sẻ với những mảnh đời đang diễn ra trên sân khấu, những mảnh đời bị vùi dưới lớp sóng của dục vọng chung xã hội.
Giọt nước mắt nhiều lứa tuổi, giọt nước mắt nhiều tầng lớp, có lẽ, họ đều thấy một phần mình trong các tình tiết, một phần mình trong lời ca đang cất lên não ruột.

Vở cải lương “Dưới hai màu áo”, kịch bản của nghệ sĩ Kim Cương, được diễn trong buổi tốt nghiệp lớp diễn viên khoa Kịch hát Dân tộc khóa 14 của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Ảnh: VƯƠNG THUẤN

3.
Khi cánh màn nhung khép lại, các diễn viên trẻ, người đã hóa thân vào gái nhà lành, người chịu thua thiệt, kẻ cướp yêu dại, ông chủ vị tiền, người mẹ bơ vơ… lên sân khấu chào khán giả. Không ai bảo ai, họ đã khóc trong tiếng vỗ tay của khán giả.
Sự khóc ấy mang ý nghĩa gì? Vui mừng vì hoàn thành tốt vai diễn? Kết thúc một hành trình học hành? Chia sẻ với các nhân vật mà họ đã hóa thân?... Tất cả đều có nhưng lớn nhất, giọt nước mắt ấy là biểu hiện của nỗi lo lắng cho con đường phía trước, con đường đã được dự báo đầy những gai và rất ít hoa hồng. Họ không còn là sinh viên, họ phải chọn đường đi cho cuộc sống mình.
Phước Tài, một diễn viên trong vở diễn, người đã bỏ qua một công việc thu nhập rất tốt và tấm bằng về quản lý nhà hàng để theo đuổi khoa Kịch hát Dân tộc nói: “Tôi cũng chưa biết sắp tới sẽ thế nào, có quá ít đất diễn cho chúng tôi, cơ hội để làm đúng sở thích, chuyên ngành đào tạo và đảm bảo cuộc sống hầu như bất khả. Tôi sẽ luôn tìm cơ hội nhưng có lẽ phải sống đã, bằng một nghề nào đó”.
Dưới hai màu áo, họ khác quá, màu áo rực rỡ đèn soi trên sân khấu không giấu nổi màu áo lo âu, bơ vơ trên sàn diễn cuộc đời. Hai màu áo ấy, màu nào sẽ phải hy sinh cho màu nào? Màu nào hy sinh thì nỗi buồn của họ cũng lớn như nhau.
Tôi chợt giật mình: Chúng ta khác gì những diễn viên ấy chăng, trong xã hội này? Chúng ta cũng khoác màu áo danh vọng, hạnh phúc, tha thiết văn hóa… Nhưng ở phía khác - trong một màu áo khác để phục vụ cho lớp áo trưng ra - chúng ta phiền não, lo lắng, hèn nhát, thờ ơ, dửng dưng, nhạt nhòa với tất cả, kể cả với một vở cải lương, với những diễn viên đang cố sống với một bộ môn sân khấu qua thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm