Thầy Ba Đợi đông nghẹt khán giả đêm công diễn

Thầy Ba Đợi do Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn nghệ thuật cải lương Long An phối hợp thực hiện như một công trình chào mừng 100 năm cải lương Việt Nam.

Vở diễn kể chuyện cuộc đời của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, còn gọi là thầy Ba Đợi - một vị nhạc quan yêu nước thời Nguyễn, người được xem đã có công truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam bộ. Ông đã cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử mà sau này phát triển thành ca ra bộ rồi cải lương.

Vở diễn khắc họa giai đoạn ông vào Nam và bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp. Tại đây, ông đã được con gái quan tổng đốc giúp đỡ và có mối tình bi thương với nàng, cũng như cái chết đau buồn của ông trong cảnh nghèo túng không có được chiếc hòm để chôn…

Vở do PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, soạn giả Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên-Lê Trung Thảo. 

Có  hơn 60 nghệ sĩ nổi tiếng tham gia vào vở cải lương Thầy Ba Đợi như nghệ sĩ Hùng Minh, Vương Hà, Quế Trân…

Đặc biệt, có  bốn nghệ sĩ vào vai thầy Ba Đợi ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, gồm nghệ sĩ Thanh Tuấn, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Vinh - Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Lê Tứ, nghệ sĩ Quang Khải.

Nghệ sĩ Quế Trân và ngôi sao cải lương đất Bắc Vương Hà đã có những lớp diễn rất tốt trong Thầy Ba Đợi.

Tuy là công trình chào mừng 100 năm sân khấu cải lương nhưng Thầy Ba Đợi không được làm theo kiểu sân khấu có cảnh trí hoành tráng, lộng lẫy. Sân khấu chỉ có một bục tròn cố định là chủ yếu, rồi biến hóa ra nhiều cảnh vật như bến tàu Sài Gòn, dinh thự quan tổng đốc, vùng đất quê nghèo miền Tây Nam bộ… bằng màn hình led.

Cách làm sân khấu, cảnh trí như thế này có ưu thế linh động, nhanh nhạy, thuận tiện, song cũng mang khuyết điểm ít làm thỏa mãn cảm xúc của khán giả. Màn hình led không làm sân khấu biến hóa, sinh động như cảm giác cảnh trí thật mang lại - một đặc điểm khiến khán giả phải mê cải lương .

Các nghệ sĩ đã ca hát rất ngọt ngào những bài bản, làn điệu âm nhạc đàn ca tài tử - cải lương tràn ngập suốt vở diễn. Tuy nhiên, việc có đến bốn nghệ sĩ đóng vai thầy Ba Đợi khiến hình tượng nhân vật này bị loãng đi, thiếu nội lực. Sức diễn của các nghệ sĩ cũng không đồng điều khiến khán giả khó cảm nhận nhân vật xuyên suốt.

Cảnh tiểu thư Ái Hoa bị ép cưới công tử Hiến phản ứng, biểu hiện của nghệ sĩ đóng vai thầy Ba Đợi trên sân khấu quá thiếu cảm xúc khiến cao trào kịch tính vở diễn bị bớt đi…

Nghệ sĩ Lê Tuấn vào vai thầy Ba Đợi cảnh vào Nam dạy nhạc cung đình  - tiền thân nhạc tài tử cải lương - cho dân quê Nam bộ.

Việc cho các nghệ sĩ hát cải lương bằng ba giọng Nam - Trung - Bắc trong vở diễn xem ra cũng không đem lại hiệu quả tốt như tính chân thật về lịch sử. Về mặt cảm quan, nếu các nghệ sĩ hát cải lương cùng một giọng trong một vở diễn sẽ ổn hơn với sự thưởng thức của khán giả.

Bên cạnh đó, vở diễn đem lại cho khán giả nhiều sự thích thú với những màn biểu diễn sinh động, nhiều nước mắt, nụ cười của các nghệ sĩ: Hùng Minh, Thanh Tuấn, Lê Tứ, Hữu Quốc, Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Trinh, Quế Trân, Võ Minh Lâm, Vương Hà…

Vở diễn đem lại những cảm xúc ngọt ngào về âm nhạc đờn ca tài tử - cải lương và khiến khán giả biết đến một vị thầy khai sáng của cải lương Việt Nam với một cuộc đời đầy bi thương nhưng vô cùng đáng kính trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm