Hiện nay ở Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp cho sáu loại vaccine là AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm, Pfizer/BioNtech, Moderna và Johnson and Johnson. Năm trong số sáu vaccine này (ngoại trừ Sputnik V) cũng đã được WHO phê duyệt và thông qua các thử nghiệm để đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu lực của chúng.
Trong các loại vaccine mà Việt Nam đã phê duyệt thì AstraZeneca được sử dụng nhiều nhất và gần đây đã có thêm Pfizer, Moderna và Sinopharm. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo (ĐH Quốc tế TP.HCM) nhận định trong bối cảnh khan hiếm vaccine, TP.HCM cần có chiến thuật tiêm một cách phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất có thể.
Về tiêm vaccine phòng dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức tiêm nhanh, an toàn, hiệu quả và không để vaccine hết hạn. Các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng phấn đấu mỗi ngày một đội tiêm phải tiêm ít nhất 200 người/ngày. Tùy theo điều kiện, có thể tổ chức tiêm sau 18 giờ đối với những điểm tiêm có khả năng đáp ứng để đẩy nhanh tiến độ, tổ chức các đội tiêm lưu động để thực hiện tiêm chủng tại các khu vực đặc thù. |
Vaccine Trung Quốc và vấn đề tác dụng vaccine
. Phóng viên: Những ngày gần đây, tranh cãi về hiệu quả của vaccine Sinopharm xảy ra khi TP.HCM mới nhận 1 triệu liều. Nhiều người cho rằng các loại vaccine, nhất là vaccine Sinopharm, dù đã tiêm nhưng vẫn bị nhiễm và thậm chí vẫn tử vong (như ở Indonesia). Như vậy, tác dụng của các loại vaccine, trong đó có Sinopharm là như thế nào, thưa bà?
+ PGS-TS Nguyễn Phương Thảo: Để được chấp thuận phê duyệt, vaccine bắt buộc phải có hiệu lực (vaccine efficacy) cao từ 50% trở lên. Ngoài ra, số liệu về hiệu quả (vaccine efficiency) của các vaccine đang được sử dụng ở Việt Nam đều tốt. Ví dụ thử nghiệm lâm sàng pha 3 của AstraZeneca cho thấy có khả năng ngăn ngừa triệu chứng lên tới 79% và có hiệu quả 100% với những ca bệnh nặng và nhập viện. Tương tự, hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 của Mordena là 94,1%, Pfizer là 95% và Sinopharm là 90%.
Tuy nhiên, hiện nay đã ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp được tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm COVID-19. Ví dụ, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn quốc (KDCA) ngày 27-7 ghi nhận 779 trường hợp trong 5,5 triệu người sau khi tiêm chủng với các loại vaccine Pfizer, AstraZeneca, Moderna vẫn nhiễm COVID-19 với các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Ở Massachusetts (Mỹ) trong tháng 7-2021 ghi nhận 469 ca nhiễm COVID-19 và 3/4 trong số đó đã được tiêm vaccine đầy đủ với hai liều vaccine Pfizer hoặc Moderna hoặc đã được tiêm một liều Johnson&Johnson trước 14 ngày khi phát hiện nhiễm. Trong số đó, có 274 trường hợp có biểu hiện triệu chứng, năm ca nặng phải nhập viện và không có tử vong.
Có thể nói vaccine ngăn ngừa lây nhiễm với COVID-19 nhưng không thể cung cấp khả năng bảo vệ tuyệt đối. Các ca nhiễm sau khi được tiêm đầy đủ vaccine được gọi là ca nhiễm đột phá (breakthrough cases). Điều quan trọng là những người được tiêm chủng có một mức độ bảo vệ miễn dịch nhất định nên nếu bị bệnh thường có các triệu chứng nhẹ hơn và hiếm trường hợp người được tiêm chủng bị bệnh nặng đến nhập viện hoặc tử vong. Vì vậy, hầu hết các nước luôn ưu tiên tiêm chủng trước cho những người dễ bị tổn thương do COVID-19, bao gồm người cao tuổi, người bị bệnh nền, người bị ức chế miễn dịch (ghép tạng…) bên cạnh nhân viên y tế và lực lượng phòng chống dịch, nhằm bảo vệ họ và ngăn ngừa sự quá tải cho hệ thống y tế.
Tiêm vaccine cho người cao tuổi tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ở một số nước, khi dịch bùng phát dữ dội, số người bị nhiễm tăng quá cao, đương nhiên tỉ lệ tử vong của cả người đã và chưa tiêm vaccine đều tăng cao. Do đó, khi tỉ lệ tiêm chủng còn thấp, chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì bên cạnh vaccine, các biện pháp khác (như 5K ở Việt Nam) luôn cần áp dụng để hạn chế tỉ lệ lây nhiễm. Nếu chỉ nhìn vào con số người đã tiêm chủng nhưng vẫn bị tử vong có thể sẽ gây hiểu nhầm là vaccine không có hiệu quả.
Thực tế chúng ta phải so sánh tỉ lệ nhập viện và tử vong của những người đã tiêm vaccine với tỉ lệ đó ở người chưa tiêm để nhìn nhận đúng vấn đề. Nhìn chung, tuy có ghi nhận sự suy giảm hiệu quả trước biến thể Delta, vaccine Pfizer và AstraZeneca vẫn cho thấy khả năng hạn chế lây nhiễm SARS-CoV-2 đáng kể sau ít nhất 14 ngày kể từ thời điểm tiếp nhận mũi thứ hai (lần lượt khoảng 60% và 80%). Tỉ lệ ngăn ngừa nhập viện và tử vong khi tiêm đủ hai mũi Pfizer, Mordena hay AstraZeneca đều trên 90%.
Với Sinopharm, sau sáu tuần từ khi tiêm mũi nhắc lại, hiệu quả sản sinh miễn dịch trước chủng Delta được ghi nhận tương đương với miễn dịch đạt được của những bệnh nhân đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu mới chỉ tiêm một mũi, hiệu quả vaccine đối với ngăn ngừa lây nhiễm bởi biến chủng Delta là tương đối thấp, chỉ khoảng 30% cho AstraZeneca hay Pfizer.
Rõ ràng, cần thời gian để thấy được lợi ích của vaccine. Trước khi đa phần người dân được tiêm phòng đầy đủ, cần đảm bảo các biện pháp ngăn dừa dịch bệnh khác. Đây cũng chính là nguyên nhân hiện tượng dịch bùng phát ở Chile (nơi khoảng 75% vaccine được sử dụng là Sinovac) hay Bahrain (nơi đa phần sử dụng Sinopharm) một vài tháng trước đây khi tỉ lệ tiêm chủng đã khá cao. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, tình hình lây nhiễm ở hai nước này đã không còn đáng kể.
Vaccine Sinopharm về TP.HCM: Tính toán ra sao?
. Nói về chiến lược tiêm vaccine ở TP.HCM hiện nay, khi ta mới và sẽ nhập về hàng triệu liều Sinopharm, bà có đánh giá gì về vai trò của loại vaccine này đối với việc chống dịch?
+ Tính an toàn của vaccine Sinopharm (vaccine BIBP đã được cấp phép sử dụng bởi WHO và gần 90 nước, bao gồm Việt Nam; không phải vaccine WIBP cũng do hãng dược phẩm Sinopharm phát triển nhưng chưa được WHO và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt) đã được công bố rõ ràng trong thử nghiệm lâm sàng. Tỉ lệ tác dụng phụ là rất thấp so với các vaccine đang được sử dụng.
Hiện nay, có một số ý kiến trái chiều về hiệu quả bảo vệ của vaccine này trước COVID-19 nhưng kết quả nghiên cứu về hiệu lực vaccine trước đây cho thấy tỉ lệ ngăn ngừa nhập viện khi sử dụng Sinopharm ở UAE, Bahrain, Ai Cập và Jordan dù không cao như các vaccine đang sử dụng khác nhưng vẫn rất tốt, trung bình là 78,7%. Ngoài ra, Sinopharm có ưu điểm là khoảng cách giữa hai mũi tiêm ngắn (ba tuần). Như vậy, nếu có nguồn lớn vaccine này thì TP có thể nhanh chóng hoàn thành tiêm chủng hai mũi cho nhiều người dân.
. Có thể rút ra bài học gì từ việc các nước khác dùng Sinopharm nhưng vẫn có ca nhiễm, tử vong?
+ Theo kết quả nghiên cứu và quan sát ở một số nước như đã nói ở trên, vaccine này chỉ cho thấy hiệu quả bảo vệ trước COVID-19 sau một vài tuần khi tiêm đủ hai liều. Vì vậy cần đảm bảo việc người dân không bị chủ quan và vẫn đảm bảo các phương pháp phòng dịch như 5K, giãn cách.
Vaccine Sinopharm cũng nên được cân nhắc để sử dụng làm mũi đầu và kết hợp với các vaccine khác trong tiêm chủng, nhằm tăng cường miễn dịch bảo vệ như đã thực hiện ở UAE, Bahrain và Trung Quốc. Việc tiêm phối trộn các tổ hợp vaccine khác nhau đã được chấp nhận và thực hiện ở 17 nước. Nhiều nghiên cứu đều cho thấy khả năng tăng cường miễn dịch hàng chục lần so với hai mũi tiêm cùng loại. Một vài trong số nghiên cứu đó có hiện tượng tăng tỉ lệ tác dụng phụ khi tiêm nhưng hoàn toàn ở mức nhẹ và an toàn. Hiện tại, hướng dẫn tiêm của Bộ Y tế đã cho phép tiêm Pfizer ở mũi thứ hai sau khi tiêm mũi AstraZeneca đầu. Nếu các tổ hợp vaccine khác cũng được chấp nhận sẽ giảm tải gánh nặng về việc sắp xếp tiêm vaccine khi nguồn cung còn quá hạn chế, cũng như tăng cường hiệu quả bảo vệ của vaccine.
. Xin cám ơn bà.•
Các loại vaccine được Việt Nam phê duyệt an toàn ra sao? Theo các kết quả đánh giá lâm sàng, các vaccine đã được cấp phép đều có tác dụng phụ tương đối nhẹ, chủ yếu là: đau ở vị trí tiêm, đau đầu, mệt mỏi, sốt… Hiện tượng sốc phản vệ có xảy ra nhưng với tỉ lệ rất thấp. Một tác dụng phụ của AstraZeneca là tình trạng đông máu kết hợp với giảm tiểu cầu rất hiếm gặp. Tuy nhiên, phần lớn các ca đều được điều trị khỏi khi phát hiện sớm. Một tác dụng phụ hiếm gặp khác khi sử dụng Pfizer và Moderna là viêm cơ tim và tràn dịch màng tim nhưng chủ yếu xuất hiện ở nam sau khi tiêm mũi thứ hai với tỉ lệ cao nhất ở người dưới 25 tuổi. Theo số liệu thống kê từ HCDC tính đến hết ngày 29-7, tỉ lệ người sốc phản vệ sau khi tiêm AstraZeneca ở TP.HCM là 0,03%, gần như không đáng kể. Việt Nam đã ghi nhận năm trường hợp tử vong sau khi tiêm phòng vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, chỉ có trường hợp nữ y tá 35 tuổi ở An Giang được ghi nhận là sốc phản vệ do cơ địa dị ứng non steroid. Bốn trường hợp còn lại là các bệnh tiềm ẩn và không có mối liên hệ nào với tác dụng phụ của vaccine. Chưa thấy công bố trường hợp tử vong nào cho ba loại vaccine còn lại đã tiêm ở Việt Nam. Có thể nói, tỉ lệ các tác dụng phụ nói trên ở tất cả vaccine Việt Nam đang sử dụng là rất thấp và ở mức kiểm soát được, nếu so với những biến chứng và tỉ lệ tử vong do COVID-19. |