3 lý do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng

(PLO)- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang gặp khó với lượng phát hành èo uột dù đã được hỗ trợ bằng nhiều chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện đã không còn phát hành số lượng “khổng lồ” như trước. Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường TPDN ảm đạm dù Chính phủ, cơ quan chức năng cũng như DN đã tìm nhiều phương án tháo gỡ.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đã không còn phát hành số lượng lớn như trước. Ảnh: N.NHI

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đã không còn phát hành số lượng lớn như trước.
Ảnh: N.NHI

Lượng phát hành trái phiếu giảm

Tháng 3 vừa qua, thị trường đã chứng kiến sự tăng tốc phát hành TPDN với khối lượng đến hơn 1 tỉ USD. Điều này được GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, giải thích: Nghị định 65/2022 tăng cường sự minh bạch của thị trường nhưng cũng còn nhiều điều kiện chặt chẽ. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành Nghị định 08/2023 với nhiều điều kiện nới lỏng hơn, giúp thị trường dần thích nghi.

Tuy nhiên, bước sang tháng 4 và 5, thị trường TPDN không còn phát hành với con số “khổng lồ” như trước. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nếu tháng 4 các DN chỉ phát hành được 2.671 tỉ đồng thì bước sang tháng 5 con số này tiếp tục duy trì ở mức 2.600 tỉ đồng.

Theo TS Nguyễn Hoàng Bình, Trường ĐH RMIT Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ảm đạm của thị trường trái phiếu như hiện nay, trong đó có ba nhóm nguyên nhân chính.

Thứ nhất, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường TPDN đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sau những sự kiện tiêu cực xảy ra ở thị trường. Những sự kiện chưa có tiền lệ liên quan đến trái phiếu của một số tập đoàn lớn và việc thị trường liên tục xảy ra tình trạng chậm thực hiện nợ TPDN trong thời gian gần đây đã làm mất niềm tin đối với nhà đầu tư.

Thứ hai, Nghị định 65 đưa ra các quy định giúp tăng cường tính minh bạch của thị trường và bổ sung các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, nghị định này đã gây ra những trở ngại cho các DN phát hành về mặt thủ tục trong ngắn hạn khi chưa kịp thích ứng với các tiêu chuẩn mới của thị trường.

Thứ ba, kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều khó khăn cùng với xu hướng gia tăng lãi suất trong thời gian qua đã làm cho chi phí vay vốn của DN tăng đáng kể, làm giảm động lực sử dụng vốn vay của DN. Hơn nữa, trong tình hình lãi suất tăng cao, nhà đầu tư có khuynh hướng chuyển dòng tiền vào các tài sản có rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ.

Nếu tháng 4 các DN chỉ phát hành được 2.671 tỉ đồng thì bước sang tháng 5 con số này tiếp tục duy trì ở mức 2.600 tỉ đồng.

Tập trung phát triển quỹ đầu tư trái phiếu

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), đánh giá so với năm ngoái, tính sôi động của thị trường giảm đến 90%. Trong bối cảnh này, các DN muốn phát hành được TPDN và để lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư thì phải chủ động thay đổi phương thức quản trị điều hành và minh bạch hóa thông tin để đáp ứng được các yêu cầu mới của pháp luật liên quan đến quy định phát hành trái phiếu.

TS Nguyễn Hoàng Bình cho rằng cần có các giải pháp dài hạn đi kèm với những lộ trình hợp lý. Bên cạnh các giải pháp đã được bàn luận trong thời gian qua, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp mang tính đột phá để tăng cường tính hiệu quả cho thị trường.

Chẳng hạn, Chính phủ có thể nghiên cứu để hình thành và phát triển công cụ hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swap - CDS). Tuy nhiên, CDS cũng có thể tạo ra các rủi ro mới cho thị trường nếu không được kiểm soát và ứng dụng một cách phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), cho biết các ngân hàng và công ty bảo hiểm hiện không được mua trái phiếu phát hành để cơ cấu nợ. Các công ty chứng khoán thường mua TPDN ở thị trường sơ cấp rồi phát hành cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay lực cầu từ nhà đầu tư cá nhân gần như không có. Công ty quản lý quỹ đầu tư trái phiếu cũng dè dặt trong việc đầu tư TPDN.

Theo bà Nga, giải pháp căn cơ và dài hạn nhất để tăng tính hấp dẫn cho thị trường TPDN vẫn là tập trung phát triển quỹ đầu tư trái phiếu. “Chính phủ có thể đưa ra khuyến khích về thuế như các quỹ đầu tư đầu tư vào trái phiếu và nhận được trái tức, xong họ phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân thì khoản phân phối đó có thể cân nhắc miễn thuế cho nhà đầu tư cá nhân” - bà Nga nói.•

Cần giải pháp đồng bộ

Theo TS Phạm Nguyễn Anh Huy, Trường ĐH RMIT Việt Nam, Nghị định 08/2023 và Thông tư 03/2023 vừa được ban hành gần đây chỉ giải quyết được bề nổi của vấn đề trong thị trường TPDN hiện tại. Ví dụ, việc cho phép các DN thanh toán bằng tài sản khác chỉ xảy ra nếu chủ sở hữu trái phiếu chấp nhận, nếu không DN vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã công bố với chủ sở hữu.

Một số điều trong Nghị định 08 và Thông tư 03 chỉ có thời hạn đến hết năm 2023 nên thị trường cần một giải pháp dài hạn hơn. “Chúng ta cần có một giải pháp đồng bộ cho cả phía nhà đầu tư và DN. Trong đó, các điều kiện để được xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tham gia thị trường trái phiếu cần phải được nâng cao” - TS Anh Huy nhấn mạnh.

Theo TS Anh Huy, ngoài việc xác nhận năng lực tài chính như hiện tại, có thể nhà đầu tư cá nhân cần phải tham gia một khóa học nhanh có cấp chứng chỉ được đào tạo bởi các công ty chứng khoán trước khi được tham gia vào thị trường trái phiếu.

Về phía DN, các cơ quan quản lý cần phải thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn, đặc biệt là về việc xác định tín nhiệm của DN phát hành trái phiếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm