Một ngày tháng 12, trong ngôi nhà cấp bốn, nơi ngõ nhỏ quận Lê Chân, Hải Phòng, chủ nhà Đàm Văn Mai hỏi hai người khách từ Hà Nội lên: “Các bác có nhớ lần đầu tiên mình gặp nhau không?”.
Lường định xu thế phát triển của tình hình các mặt trận, đồng thời mong tạo áp lực lên hòa đàm Paris, đầu năm 1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định thay đổi hướng tiến công chiến lược từ chiến trường Đông Nam bộ sang chiến trường Trị Thiên.
Lần đầu tiên một chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành gồm cả pháo, tăng, xe cơ giới được tiến hành. Mở màn ngày 30-3, sau hơn hai tháng, lực lượng vũ trang tại chỗ phối hợp với các đơn vị chủ lực từ miền Bắc vào đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, gây sức ép nghiêm trọng lên Thừa Thiên-Huế.
Là một phần trong chiến lược ấy, nhằm đúng 30 tết Nguyên đán, tức ngày 14-2, e46C vừa hoàn tất diễn tập ở Thanh Hóa, được đưa lên tàu đêm, hướng Nam thẳng tiến.
Cũng từ đây Trung đoàn cơ động được đổi phiên hiệu thành e48, chiến đấu ở Tây Bắc Thừa Thiên-Huế, rồi quay ra tiếp quản, nhận bàn giao thị xã Quảng Trị từ các đơn vị trước đó.
“Hồi ấy ý đồ chiến lược của ta là giải phóng Quảng Trị xong sẽ đánh vào Huế. Nhưng sức không đủ nên dừng lại tổ chức phòng ngự, bảo vệ Quảng Trị, nhất là thị xã. Trung đoàn 48 được giao phụ trách khu vực trung tâm thị xã".
"Mình là chủ nhiệm trinh sát, vào trước được năm ngày thì phía đối phương mở màn chiến dịch tái chiếm thị xã Quảng Trị, bắt đầu từ ngày 28-6. Ta gọi đúng ra là chiến dịch bảo vệ thị xã Quảng Trị. Nhưng trong thị xã có Thành cổ là biểu tượng nên sau này gọi theo biểu tượng ấy…” - Long tiếp câu chuyện với đồng đội cũ.
Những tháng ngày chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên khói lửa, nhất là 81 ngày đêm trực tiếp bảo vệ thị xã Quảng Trị là không thể nào quên với ba người lính già.
Long từng dẫn đại đội đặc công độc lập, cùng các đơn vị bạn tấn công căn cứ hỏa lực Ripcord - một căn cứ hỗn hợp cấp tiểu đoàn của Mỹ, đóng trên cao điểm 935, huyện A Lưới, phía tây Huế, tháng 5-1969, buộc quân địch phải triệt thoái khỏi điểm cao chiến lược, án ngữ đường tiếp vận Trường Sơn của Bắc Việt.
Đây cũng là trận cuối cùng của quân giải phóng với bộ binh Mỹ, trước khi Mỹ triển khai triệt để chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, rút dần quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Trận đánh Mỹ ấy, anh sĩ quan Hà Nội đã tưởng là ác liệt lắm nhưng so với 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị thì chưa là gì. Bởi đấy mới thực sự là những ngày mà hy sinh mất mát không gì tả xiết.
Chỉ biết rằng bất kể lính tráng hay sĩ quan, cứ lớp người trước ngã là người sau lên... Từ chủ nhiệm trinh sát trung đoàn, Long vào vị trí tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Riêng tiểu đoàn này, trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ lần lượt hai chính trị viên hy sinh.
Cũng như vậy với Mai, khi e48 mới vào Quảng Trị, đang là trung đội trưởng hỏa lực, thì giữa 81 ngày đêm ấy, nhận trọng trách đại đội trưởng đại đội bộ binh. Còn lính trẻ Lanh từ trung đội phó lên đại đội phó...
Về phía Long, ưu tiên trong những ngày đầu sau nhận quyết định nghỉ hưu là tìm gặp đồng đội xưa, nhất là số anh em e48 trực tiếp bảo vệ thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm. Năm 1999, ban liên lạc trung đoàn 48 tổ chức trao Kỉ niệm chương Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị cho đồng đội ở Hải Phòng, Long lần tìm hỏi về Mai.
“Thực sự, hồi Quảng Trị, tôi ấn tượng ông lắm... To cao, đánh trận giỏi, tính cách ngang tàng, đúng kiểu ba gai Hải Phòng. Cơ mà sau này, tìm hỏi được thì anh em bảo ông đang rất tiêu cực, không tham gia sinh hoạt gì cả”, Long nói với sang Mai.
Biết tình cảnh khó khăn của người lính dưới quyền ngày xưa, Long bàn với Lanh tìm cách giúp đỡ.
“Hồi ấy em thường làm việc với Thành ủy Hải Phòng. Khi nghe anh Long nói là em tìm mối ngay. Trong một chuyến công tác, về tìm được nhà anh Mai, lúc ấy còn ngoại thành, lầy lội lắm chứ không phải khang trang đường phố như thế này đâu. Hai anh em có một đêm dài tâm sự ở nhà khách Thành ủy”, Lanh tiếp lời.
Sau tác động, hỗ trợ của đồng đội, cơ quan nội chính Hải Phòng và các cấp chính quyền địa phương đã thay đổi thái độ.
Vài năm sau lần hội ngộ ấy, Mai được hưởng chế độ hỗ trợ tù đày, được công nhận thương binh, hưởng trợ cấp thương binh và rồi chế độ chung cho bộ đội tham gia kháng chiến.
Ngót 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, người cựu binh bắt đầu nhận các khoản trợ cấp, hơn 5 triệu đồng/tháng, vậy là đủ lo tuổi già.
Bên nhau lúc sống chết nơi chiến trường khói lửa, đỡ đần nhau khi tuổi đã xế chiều, ba người lính già hôm nay gặp mặt với lời hẹn hội quân cựu e48 - Trung đoàn Thạch Hãn Anh hùng Lực lượng vũ trang một trận ra trò vào dịp 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 ở Hà Nội.
Và họ hứa với nhau giữ sức khỏe để cùng đi thăm hỏi đồng đội đang sống đâu đó trong Nam, ngoài Bắc, hay Tây Nguyên hùng vĩ và cả gia đình những chiến hữu đã ngã xuống cho hòa bình, thống nhất trường tồn của đất nước, của dân tộc.