3 nữ doanh nhân Việt Nam được Forbes vinh danh


3 nữ doanh nhân Việt Nam được Forbes vinh danh ảnh 1
Mai Kiều Liên Bà Nguyễn Thị Mai Thanh Bà Nguyễn Thị Nga

 Có không ít những gương mặt mới trong danh sách năm nay như Alison Watkins, người phụ nữ thứ hai dẫn dắt một công ty nằm trong danh sách 30 công ty hàng đầu của thị trường chứng khoán Úc; bà Ong Chih Ching, doanh nhân kinh doanh bất động sản tại Singapore; nhà sản xuất phim kỳ cựu Nansun Shi, người đã gầy dựng nền công nghiệp điện ảnh của Hồng Kông.

Forbes lựa chọn những gương mặt tiêu biểu dựa trên các tiêu chí: doanh thu công ty (không ít hơn 100 triệu đô la và thường là hàng tỷ đô), kế đến là vị trí và vai trò tại công ty.

Tại Trung Quốc, phụ nữ dường như gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh hơn so với nhiều nước khác trong khu vực. Báo cáo kinh doanh quốc tế do Grant Thornton thực hiện cho thấy tỷ lệ nắm giữa các vị trí quản lý cấp cao của nữ doanh nhân Trung Quốc đã tăng lên đến 51% (tính đến tháng 2/2013) từ mốc 25% của năm trước đó. Con số này ở Nhật Bản chỉ vỏn vẹn 7% (thấp nhất trong số 44 nền kinh tế được nghiên cứu), ở Úc là 22% và trong khối ASEAN nói chung là 34%. Trung bình trên toàn cầu, tỷ lệ này là 24%.

Năm nay, Việt Nam có 3 nữ doanh nhân lọt vào danh sách này, đó là bà Mai Kiều Liên – CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - CEO Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), và bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch SeABank.

Đây là năm thứ 3 bà Mai Kiều Liên (60 tuổi) có mặt trong danh sách này. Vinamilk hiện là một trong những thương hiệu sinh lời nhất tại Việt Nam và là một cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán với tốc độ tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận tăng liên tục kể từ khi niêm yết vào năm 2006.

Năm 2013 doanh thu của Vinamilk tăng 17%, đạt 1,5 tỷ USD, và bà Liên có kế hoạch tăng doanh thu lên gấp đôi vào năm 2017. Vinamilk cũng đã đầu tư 23 triệu USD vào liên doanh tại Campuchia với Công ty Angkor Dairy Products, và dành 7 triệu đô la mua lại 70% cổ phần của Công ty Driftwood Dairy Holding ở California (Hoa Kỳ).

Tháng 7/2013 vừa qua, Vinamilk bắt đầu bán các sản phẩm sữa Việt Nam tại Mỹ, quốc gia thứ 30 trong tổng số thị trường xuất khẩu của Vinamilk. Cũng trong năm vừa rồi, Vinamilk đã mở 2 nhà máy mới sản xuất sữa nước và sữa bột tại Việt Nam với tổng đầu tư 210 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (61 tuổi) bắt đầu làm việc tại REE từ năm 1982 ở vị trí kỹ sư, và trở thành CEO của công ty vào năm 1985. Dưới sự lãnh đạo của bà, REE trở thành công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2000. Năm 16 tuổi, bà Mai Thanh gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, tham gia kháng chiến. Sau chiến tranh, bà theo học ngành kỹ sư điện tại đại học Karl-Marx-Stadt ở Đông Đức.

Theo Forbes, bà Nguyễn Thị Nga (59 tuổi) hiện là một trong những phụ nữ giàu nhất Việt Nam, nhờ vào lợi nhuận từ kinh doanh ngân hàng, bất động sản, khu du lịch và bán lẻ. Từ năm 2007, bà đã giữ chức vụ Chủ tịch của SeABank với tài sản 3,6 tỷ USD, trong đó 20% cổ phần thuộc về ngân hàng Pháp Société Générale.

Bà Nga đã thành lập và điều hành Tập đoàn BRG, hiện sở hữu 3 sân golf lớn ở Việt Nam, trong đó có Kings’ Island Golf Resort và Đồ Sơn Seaside Golf Resort. Bà cũng sở hữu 2 khách sạn tại Hà Nội được quản lý bởi Hilton Hotels Worldwide, và Công ty Intimex với hơn 30% thuộc sở hữu của gia đình bà. 

PHÚC AN (Theo Forbes/DNSG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm