1. Một bà mẹ có con thi lớp 10 trên 40 điểm nhưng không được học trường gần nhà. “Con tôi điểm cao hơn điểm chuẩn vào trường, nhà lại sát trường nhưng phải đi học tít quận 5. Tình hình giao thông hiểm nguy luôn rình rập thấy tội cháu lắm” - bà nói. Bà mẹ cho biết đã tìm đến trường trình bày nhưng hiệu trưởng kiên quyết từ chối và đổ lỗi do phụ huynh không đăng ký trước nguyện vọng vào trường nên bây giờ đành chịu. “Nhưng làm sao tôi dám quyết định đăng ký vào trường này được vì năm nào điểm chuẩn cũng cao nhất nhì TP. Lỡ đăng ký mà con tôi trượt thì biết kêu ai! Vả lại khi đăng ký thì chưa biết số điểm, còn nay biết rồi thì muốn chuyển về cũng không được” - vị phụ huynh than thở.
Nghịch lý điểm cao nhưng không được học trường gần nhà cũng được nhiều phụ huynh khác chia sẻ. “Chúng tôi đâu ai muốn con phải đi học trường xa, vừa mất thời gian lại vừa nguy hiểm với tình hình đường sá hiện nay. Nhưng đăng ký trường gần thì điểm chuẩn quá cao. Mong các cấp lãnh đạo thấy nghịch lý này sớm gỡ giùm, chúng tôi vô cùng biết ơn” - các phụ huynh bày tỏ.
Học sinh thi vào lớp 10 năm học 2017-2018. Ảnh: MINH TÂM
Tuy nhiên, ngay khi vừa công bố điểm chuẩn lớp 10 các trường, Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ đạo các trường không giải quyết cho bất cứ trường hợp xin chuyển trường nào. Chủ trương này được quán triệt đến từng hiệu trưởng trong những năm qua. Còn trước đó nữa, Sở GD&ĐT chủ trương linh động giải quyết cho từng trường hợp cụ thể mà xét thấy hợp lý. Một cán bộ làm ở phòng Khảo thí cho biết vì bị các trường phản đối quá do sĩ số học sinh (HS) biến động gây khó cho trường. Tất nhiên, cái khó không mất đi đâu mà đẩy về cho phụ huynh!
2. Hiệu trưởng một quận vùng ven gặp chúng tôi than đầu vào lớp 10 trường anh chỉ đạt trên dưới 15 điểm, tính bình quân mỗi môn 3 điểm (văn, toán hệ số 2; ngoại ngữ hệ số 1). “Khó quá, đầu vào như vậy muốn nâng chất lượng bằng các nơi thiệt là vô phương! Thầy trò chúng tôi làm việc cật lực nhưng cũng chỉ tiến được một chút, làm sao dám mơ sánh vai với các trường đầu vào trên dưới ngưỡng 40 điểm” - vị hiệu trưởng tâm sự.
Một lớp học bình thường luôn có HS giỏi, khá, trung bình và yếu. Công việc dạy học ở các lớp này nhờ đó diễn ra thuận lợi vì HS giỏi sẽ kích thích các HS còn lại cố gắng hơn, giáo viên cũng biết điều chỉnh yêu cầu cho phù hợp trình độ chung của lớp. Nguyên lý này được áp dụng phổ biến ở các trường phổ thông, ngoại trừ trường chuyên, lớp chọn. Tuy nhiên, nguyên lý này đã bị cấm cửa ở trường vị hiệu trưởng kia và nhiều trường khác nữa có điểm chuẩn đầu vào chỉ dành cho HS yếu hoặc trung bình. Một trường học không có HS giỏi, khá là điều không bình thường. HS không có bạn giỏi làm động lực để cố gắng nên lao động giáo viên tại các trường này vất vả hơn rất nhiều các trường bình thường. “Chúng tôi làm việc nhiều hơn. Giáo viên các trường tốp trên nhàn hơn chúng tôi nhiều. Nhưng chúng tôi luôn thiệt thòi vì bị đánh giá thấp hơn do kết quả học tập của HS không bằng trường tốp trên. Thật là bất công!” - vị hiệu trưởng chia sẻ.
3. Cùng trong một TP, điểm chuẩn đầu vào lớp 10 giữa các trường chênh lệch rất nhiều. Bên cạnh những trường có điểm chuẩn trên 35-40 điểm thì cũng có trường chỉ 15-20 điểm. Sự chênh lệch này tồn tại đã nhiều năm. Nghịch lý ở chỗ là TP có chủ trương nâng cao dần chất lượng các trường vùng ven, ngoại thành cho bằng các trường nội thành nhưng phương thức tuyển sinh lớp 10 hiện nay lại đẩy khoảng cách chất lượng các trường ra xa! Chủ trương này xem ra ngày càng khó thực hiện khi mà cách tuyển sinh lớp 10 vẫn như cũ!
Tuyển sinh lớp 10 là vấn đề khó nhưng thiết nghĩ những nghịch lý trên vẫn giải quyết được nếu có quyết tâm. Trước mắt, ngay trong đợt xét tuyển này nên linh động giải quyết cho các em có điểm cao được về học trường gần nhà. Phía nhà trường có thêm em HS giỏi, phía phụ huynh cũng nhẹ lòng, lợi cả đôi đường sao không làm! Về chênh lệch điểm đầu vào giữa các trường nên có sự đầu tư nghiên cứu nguồn tuyển sinh để điều chỉnh dần khoảng cách gần lại, mỗi năm một ít.
“Tránh xáo trộn và tạo công bằng” Đại diện từ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết những HS đã trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì tuyệt đối không đổi nguyện vọng sau khi công bố kết quả tuyển sinh. Các trường THPT không nhận đơn cũng như không giải quyết việc xin đổi nguyện vọng ưu tiên. Quy định này nhằm tránh gây xáo trộn công tác tuyển sinh của các trường cũng nhằm tạo sự công bằng và cơ hội cho tất cả HS khi đã đăng ký nguyện vọng và dự thi. Ngay từ đầu năm học lớp 9, thậm chí là từ lớp 8 các em đã được định hướng và chuẩn bị cho kỳ thi của mình. Rồi các em có đến 13 ngày để cân đong việc đăng ký nguyện vọng, các em còn có bảy ngày để điều chỉnh nguyện vọng thi lớp 10. Chưa kể báo, đài, sở và các phòng GD&ĐT, nhà trường đã thông tin và nhắc nhở nhiều lần về việc các em phải chọn trường sao cho phù hợp với điều kiện đi lại từ nhà đến trường, với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình... để tránh tối đa trường hợp HS chọn trường quá xa dẫn đến không theo học được. Như thế thì không thể nào các em lại đăng ký mơ hồ để rồi thi xong các em lại muốn thay đổi, nếu ai cũng như vậy thì sẽ mất sự công bằng trong thi tuyển sinh. HÀ AN ghi |