3 vấn đề cần làm rõ khi thực hiện 'siêu' dự án vành đai 3

Chiều 11-3, tại hội thảo về đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần lưu ý vấn đề liên quan đến cơ chế đặc thù, kỹ thuật và cả công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

“Siêu” dự án hiếm có hàng chục năm

“Có đại biểu cho rằng phải hơn 20 năm nhưng theo tôi thấy thì phải đến gần 47 năm chúng ta mới có dự án lớn, phức tạp hơn khi đi qua nhiều địa phương” - ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo đầu tư dự án vành đai 3 nhận được nhiều đóng góp của
các chuyên gia và các cơ quan chức năng để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Chính phủ. Ảnh: KC

Theo ông Bình, qua hơn 4 giờ hội thảo, có nhiều ý kiến góp ý làm sao để quản lý hiệu quả, chỉ định thầu thế nào, tổng vốn đầu tư vô cùng lớn, vừa phải lo công tác GPMB… Ngoài ra, ông Bình cũng cho rằng khi triển khai, yếu tố kỹ thuật xảy ra hằng ngày hằng giờ, rồi xử lý ở địa phương này, xử lý ở địa phương khác phải đồng bộ ra sao là câu chuyện phải tính toán chặt chẽ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho rằng hiếm có dự án hội tụ thiên thời, địa lợi, nhân hòa như dự án đường vành đai 3 lúc này. “Hơn 20 năm, 20 triệu người dân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong mỏi. Đây không phải là dự án hạ tầng đơn thuần mà phải xác định là một giấc mơ thành hiện thực, một lời hứa sẽ thành hiện thực” - ông Phúc nói.

 Nói về tầm quan trọng của dự án, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết ông rất xúc động với dự án, vì dự án này đã được mong mỏi quá lâu, đây giống như khả năng điều thần kỳ xảy ra, hiện thực không thể chờ đợi vành đai 3 thêm được nữa. Theo ông Thiên, chúng ta phải nhìn nhận cách tiếp cận đường vành đai 3 không chỉ cho TP.HCM, cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn phải cho cả đất nước.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết cả gần 1/4 thế kỷ nghiên cứu vùng này, ông nhiều lần cho rằng điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng giao thông kết nối, chậm kết nối giao thông ngày nào thì thiệt hại là không tính hết.

“Khu vực là một vành đai công nghiệp trải dài Bến Lức - Đức Hòa - Long An về Vũng Tàu, thành trung tâm công nghiệp mang tính khu vực, gắn với cụm cảng ra biển Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, khi các đường vành đai đều nằm trên giấy thì cảng không phát triển được, tứ giác gồm bốn địa phương vốn rất phát triển cũng bị kìm chân” - ông Lịch nói.

Các vấn đề cần làm rõ

Góp ý tại hội thảo, TS Nguyễn Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng cần xem lại các con số về nhu cầu giao thông trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vì nếu tính không đúng thì kẹt trên vành đai sẽ xảy ra trong 10 năm nữa. Ví dụ như Tân Vạn - Nhơn Trạch, báo cáo tính toán đến năm 2040 sẽ có 51.000 đơn vị xe/ngày đêm nhưng khi tính toán thì báo cáo dựa vào số liệu nhu cầu ô tô cả nước 80.000 xe/năm (đã cũ), còn đến nay cả nước là 300.000 xe/năm, đến năm 2030 nhu cầu 1,5-1,8 triệu xe/năm (con số của Bộ Công Thương).

“Chúng ta cần tính toán lại số lượng đi lại để không xảy ra kẹt xe 10 năm nữa. TP.HCM cũng phải có một nghiên cứu về quy hoạch giao thông vùng TP.HCM (gồm TP và các tỉnh lân cận) để ưu tiên dự án cần làm ngay” - ông Mai nói.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, thì nêu ra hai rủi ro dự án cần xét đến. Thứ nhất là dự án xin cơ chế đặc thù thì cần phải có lập luận sắc bén để thuyết phục đại biểu Quốc hội (khi dự án được trình lên) vì sao chúng ta phải có cơ chế đặc thù (như cơ chế chỉ định thầu…).

Bên cạnh đó cũng cần làm rõ cơ cấu nguồn vốn rồi sau khi dự án hoàn thành sẽ tổ chức thu phí, thu phí này để hoàn vốn hay như trung ương cho địa phương vay tiền làm rồi thu phí hoàn vốn hay sao, nếu không làm rõ sẽ rất khó thuyết phục đại biểu Quốc hội, ông Anh lưu ý thêm.

Thứ hai là rủi ro khi phải đối diện với bài toán GPMB, kinh nghiệm muốn GPMB nhanh thì phải sạch về mặt pháp lý, cơ quan chức năng cần chỉ ra cách khắc phục các rủi ro này.

Kết luận tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hội thảo có rất nhiều góp ý như phải tính toán đến chiến lược giao thông vùng, hay lập tổ chuyên gia, tổ tư vấn, cơ chế để thúc đẩy triển khai cho nhanh chóng, mô hình tính toán, lưu lượng để làm sao tính cho sát.

Theo ông Mãi, dự án được Thủ tướng đồng ý dùng ngân sách đầu tư, đáng lẽ trung ương đầu tư 100% nhưng do điều kiện vốn không đủ bố trí nên có sự chia sẻ ngân sách trung ương 50% và địa phương 50% chứ không phải trung ương cho các địa phương vay rồi hoàn lại.

“Sau này chúng ta khai thác quỹ đất, nhượng quyền thu phí để có thêm nguồn thu ngân sách, nguồn thu này là dùng để tiếp tục phát triển đầu tư các dự án hạ tầng khác. Việc hoàn thiện dự án, triển khai dự án khi được thông qua sẽ còn khó khăn hơn nhiều và TP cũng như các địa phương sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan chức năng” - ông Mãi nói.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.377 tỉ đồng

Đường vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76 km sẽ có gần 13 km (đoạn từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn thuộc TP Thủ Đức) sẽ đi trên cao. Các đoạn đi dưới thấp gồm đoạn đầu tuyến giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đường tỉnh 25B, đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức. Theo UBND TP.HCM, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.377 tỉ đồng. Trong đó, bồi thường GPMB là 41.589 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm