Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do tàu sân bay USS John C.Stennis dẫn đầu ngày 21-12 lần đầu tiên đi vào vịnh Ba Tư kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5.
Hãng tin AP cho biết sự xuất hiện của tàu sân bay USS John C.Stennis diễn ra trong bối cảnh Iran dọa đóng cửa eo biển Hormuz, cửa ngõ duy nhất từ vịnh Ba Tư hướng ra vùng biển mở. Tàu sân bay của Mỹ đã bị các tàu chiến của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bám đuôi. Có lúc, các tàu Iran còn phóng rocket và triển khai máy bay không người lái tới gần khu vực có tàu USS John C. Stennis.
Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS John C.Stennis dẫn đầu đi vào Vịnh Ba Tư. Ảnh: AP
AP cho biết khoảng 30 tàu chiến của Iran đã phóng tên lửa về phía vùng biển, nơi tàu USS John C. Stennis đang hoạt động. Có lúc, một tàu nhỏ của Iran đã phóng một máy bay không người lái để quay lại hình ảnh của các tàu Mỹ.
Cũng theo AP, các nhà báo có mặt trên tàu USS John C.Stennis lúc đó cũng đang quay phim những chiếc tàu chiến của Iran.
“Máy bay không người lái của Iran đã bay cắt mặt tàu của chúng tôi và dừng lại và cố gắng chụp lại nhiều bức ảnh về những gì đang diễn ra” - Đại úy Randy Peck, sĩ quan chỉ huy trên tàu USS John C.Stennis, nói với hãng tin AP.
Hiện truyền thông Iran chưa đăng tải bất kỳ bản tin nào liên quan tới việc tàu USS John C.Stennis của Mỹ đi vào vịnh Ba Tư. Đội tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS John C.Stennis dẫn đầu được triển khai đến khu vực từ ngày 8-12.
Các tàu này của hải quân Mỹ đã tham gia một cuộc tập trận hải quân chung với nhóm các tàu đổ bộ (ARG) do tàu USS Essex dẫn đầu vào ngày 12-12 tại biển Ả Rập.
Trước đó, ngày 21-12, hãng thông tấn Mehr (Iran) dẫn lời Chuẩn tướng Mohammad Pakpour - Tư lệnh lực lượng mặt đất của IRGC, nói rằng Tehran hiện bước vào giai đoạn cuối của cuộc tập trận Great Prophet 12, được khởi động vào ngày 22-12.
Các tàu tuần tra của Iran bám theo tàu sân bay của Mỹ ở vịnh Ba Tư. Ảnh: AP
Cuộc tập trận có sự tham gia của các đơn vị phản ứng nhanh, các đơn vị trên không, các đơn vị tác chiến và phá hủy, tên lửa tầm trung.
“Chúng tôi không đe dọa bất kỳ quốc gia nào nhưng nếu kẻ thù tìm cách thực hiện ý đồ đen tối và tấn công chúng tôi, chúng tôi nhất định sẽ cứng rắn và tấn công kẻ thù bằng tất cả sức mạnh và chúng tôi đang thực hành các chiến thuật này trong cuộc tập trận này” - ông Pakpour nói với hãng thông tấn Mehr.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký năm 2015.
Tổng thống Trump cũng quyết định khôi phục tất cả lệnh trừng phạt nhắm vào Iran và tung ra một loạt các hạn chế mới đối với lĩnh vực năng lượng, vận tải biển, tài chính và các lĩnh vực khác của Iran, với mục tiêu đã nêu là cắt giảm xuất khẩu dầu của nước này.
Đáp lại, giới lãnh đạo Iran nhiều lần cảnh báo nước này sẽ chống lại mọi hành động khiêu khích, đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz.