Sputnik ngày 1-8 dẫn lời ông Bill Urban, người phát ngôn Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rõ sự gia tăng hoạt động của hải quân Iran ở vịnh Ả Rập, eo biển Hormuz và vịnh Oman. Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình và tiếp tục phối hợp với các đối tác để đảm bảo quyền tự do hàng hải và lưu thông thương mại ở các tuyến đường biển quốc tế”. Vịnh Ả Rập còn được gọi là vịnh Ba Tư.
Tàu khu trục cỡ nhỏ lớp Alvand của Iran. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng IRGC đã huy động hơn 100 phương tiện, phần lớn là xuồng vũ trang cao tốc, cùng hàng trăm lính bộ binh cho cuộc tập trận có thể diễn ra trong 48 giờ tới.
Trong khi đó, Mỹ chỉ có một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường là USS The Sullivans hiện diện bên trong vịnh Ba Tư cùng với một số tàu chiến Anh và Pháp ở gần đó. Hiện có khoảng 10 tàu tuần tra Mỹ đóng tại Bahrain ở các trục sở của hạm đội số 5 hải quân Mỹ, theo Fox News.
Tàu khu trục USS The Sullivans nằm trong đội tác chiến tàu sân bay Harray S.Truman nhưng hàng không mẫu hạm này đang không có mặt ở vịnh Ba Tư hay khu vực lân cận. Đội tàu này vừa trở về Norfolk cuối tháng rồi sau đợt triển khai kéo dài ba tháng tại đây.
Iran thông thường tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn này vào mùa thu nhưng năm nay được tổ chức sớm hơn bởi những đe dọa lẫn nhau gần đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, theo Fox News.
Hải quân Iran phóng tên lửa Mehrab trong một cuộc tập trận ở eo biển Hormuz. Ảnh: AFP
Đây được coi là cách Iran gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký hồi năm 2015, đồng thời áp dụng các biện pháp cấm vận mới nhằm vào Tehran, trong đó có việc ngăn cản hoạt động xuất khẩu dầu của quốc gia này.
Đáp lại, IRGC tháng trước cảnh báo sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu Mỹ và đồng minh tìm cách ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.
Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích ý định này của Iran: “Iran từng đe dọa đóng eo biển Hormuz. Rõ ràng đó là sự tấn công nhằm vào tuyến đường vận tải quốc tế và chắc chắn các lực lượng quốc tế sẽ phối hợp không để tuyến đường này bị đóng bởi kinh tế thế giới phụ thuộc vào năng lượng được lưu chuyển qua đây”.
Eo biển Hormuz là một trong những tuyến đường giao thương quan trọng. Khoảng 20% lượng dầu thô xuất khẩu của thế giới được vận chuyển qua eo biển với điểm hẹp nhất chỉ 29 hải lý, theo Sputnik.
Tổng thống Trump hồi tuần trước đăng hàng loạt bình luận công kích nhằm vào Tổng thống Iran Hassan Rouhani, cảnh báo Tehran sẽ gánh chịu "hậu quả chưa từng thấy" nếu tiếp tục đe dọa Mỹ. Tuy nhiên, đầu tuần này, ông chủ Nhà Trắng lại bày tỏ sự sẵn lòng đối thoại với các quan chức Iran vô điều kiện. Nhưng đề nghị này của ông đã bị Tehran phản đối thẳng thừng một ngày sau đó.
Tư lệnh IRGC Mohammad Ali Jafari tuyên bố giới chức Iran sẽ không bao giờ gặp lãnh đạo Mỹ. “Ngài Trump! Iran không phải là Triều Tiên mà nhận lời mời gặp ông. Ngay cả các đời tổng thống Mỹ sau này cũng sẽ không nhìn thấy được ngày đó" - hãng tin Fars News dẫn lời Tư lệnh Ali Jafari.