Cuộc biểu tình hiện tại ở Iran là một cơ hội để Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự khác biệt của mình với người tiền nhiệm Barack Obama.
Theo thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, Mỹ và các nước đồng minh đồng ý giảm trừng phạt kinh tế Iran để nước này ngưng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, với ông Trump, thỏa thuận này không phục vụ quyền lợi của Mỹ, cho biết sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận và khôi phục trừng phạt, bất kể bước đi này có thể gây bất đồng các đồng minh.
Thái độ công kích của ông Trump với Iran khác hẳn với thái độ thận trọng của ông Obama trước đây.
Năm 2009, Iran từng trải qua một đợt biểu tình tương tự. Cũng giống ông Trump, ông Obama khi đó cũng ủng hộ yêu cầu của người biểu tình về một xã hội cởi mở hơn, đồng thời lên án bạo lực từ phía chính phủ Iran. Nhưng cách hành xử của ông Obama thận trọng và dè dặt hơn nhiều với lo ngại Iran sẽ cáo buộc Mỹ can thiệp chuyện nội bộ, cũng như kích động một chiến dịch chống Mỹ.
“Chọn lãnh đạo là quyết định của người dân Iran và chúng tôi tôn trọng chủ quyền Iran” - ông Obama nói với báo chí năm 2009.
Biểu tình ở Iran đã kéo dài hơn 10 ngày với 22 người chết và 450 người bị bắt. Iran cáo buộc CIA, Israel, Saudi Arabia xúi giục biểu tình. Ảnh: GETTY IMAGES
Sự khác nhau này đã được người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sander nhấn mạnh: “Tổng thống Trump sẽ không ngồi yên như Tổng thống Obama đã làm”.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích chính sách đối ngoại, dù phát ngôn mạnh như thế nhưng khả năng tạo ảnh hưởng ở Iran của ông Trump lại hạn chế - không khác nhiều đời tổng thống trước của Mỹ.
“Năng lực của chúng ta trong định hình các sự việc… rất, rất hạn chế” - ông Aaron David Miller, cố vấn về Trung Đông cho các chính phủ Mỹ trước cả Cộng hòa và Dân chủ, nhận định.
Theo ông David Rothkopf, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins (Mỹ), phát ngôn của ông Trump thể hiện sự ủng hộ với người biểu tình nhưng đồng thời cũng thể hiện sự yếu ớt của chính sách Mỹ hiện tại.
Cuộc biểu tình Iran diễn ra trong bối cảnh không lâu nữa là đến thời hạn ông Trump phải ra một số quyết định quan trọng liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo thỏa thuận, cứ mỗi 90 ngày các tổng thống Mỹ phải ra đánh giá về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hay không, thời hạn tới đây là vào ngày 11-1. Lần đánh giá giữa vào tháng 10-2017, ông Trump đã không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận.
Thỏa thuận có điều khoản cho phép Mỹ đình hoãn các lệnh trừng phạt Iran trong vài năm, và cứ 120 ngày Mỹ lại một lần xem xét có khôi phục chúng hay không. Giữa tháng 1 ông Trump cũng sẽ phải ra quyết định về việc này.
Các đồng minh, đối tác Mỹ ở châu Âu và cả Trung Quốc đều ủng hộ duy trì thỏa thuận. Trong thông điệp đầu năm, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nói rõ biểu tình là chuyện nội bộ Iran, sự can thiệp từ bên ngoài nhằm gây rối tình hình là không thể chấp nhận.
Nhà phân tích Rothkopf cho rằng ông Trump thậm chí có thể mất đi ảnh hưởng nếu phá hủy thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo ông, “không nước nào trong cộng đồng thế giới chấp nhận điều đó và Mỹ sẽ bị cô lập”.
Chưa hết, các nhà phân tích cũng lo ngại các khía cạnh khác chính sách đối ngoại mang tính công kích của ông Trump có thể sẽ gây khó khăn thêm khi Mỹ thuyết phục các nước về phe mình đối đầu Iran.
Ý các nhà phân tích muốn nói đến chuyện ông Trump nhiều lần chỉ trích các thỏa thuận quốc tế, đòi rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, đòi xé bỏ các thỏa thuận thương mại, công nhận Jerusalem là thủ đô Israel - kích động cả thế giới Ả Rập và Hồi giáo.
Các bước đi này, theo nhà phân tích Miller, dường như được “chính trị trong nước” lèo lái và ông Trump mong muốn thể hiện mình không phải ông Obama.