Có thể nói chỉ trong hai ngày đầu năm, ông Trump đã liên tục làm thế giới khuấy động bằng việc hết gửi thông điệp cứng rắn cho Pakistan tới Iran rồi tới Palestine.
Với Iran, ông Trump ra mặt ủng hộ cuộc biểu tình chống chính phủ. Với Pakistan, một đồng minh của Mỹ, ông Trump tuyên bố cắt hỗ trợ tài chính và quân sự vì cho rằng nước này chọn làm thiên đường cho bọn khủng bố thay vì hợp tác với Mỹ chống khủng bố. Với Palestine, ông Trump cũng dọa cắt viện trợ vì cho rằng nước này không có thiện chí đàm phán hòa bình với Israel, sau khi ông công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
Các phát ngôn của ông Trump đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ ba nước này. Iran cho rằng biểu tình là các thế lực bên ngoài xúi giục, trong đó có Mỹ. Pakistan và Palestine thì mạnh mẽ tuyên bố không cần tiền của Mỹ. Các phát ngôn này còn khiến nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ lo ngại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo những thông điệp từ Mỹ và Saudi Arabia nhắm vào Iran phản phất hình ảnh của những đường lối từng khiến chiến tranh nổ ra.
Ông James Carafano, trưởng bộ phận phân tích chính sách đối ngoại-quốc phòng tại Viện Di sản (Mỹ) và từng tham gia đội chuyển tiếp quyền lực của ông Trump, cũng lo ngại với thái độ cứng rắn này. Theo ông, thái độ và lời lẽ cứng rắn này chỉ là sự mở rộng chính sách đối ngoại năm 2017 của chính phủ Trump mà thôi - vốn xem các lợi ích của Mỹ là không thể thỏa hiệp.
Chiến lược an ninh quốc gia mới mà ông Trump công bố hồi tháng 12-2017 điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Trung Đông và châu Á. Khi đó ông Trump đã thông báo ý định chuyển khoản tiền vẫn “rót” cho Pakistan trước nay sang Ấn Độ với mục tiêu thúc đẩy các quan hệ kinh tế và quân sự. Ngoài ra ông Trump cũng tuyên bố theo đuổi chính sách cứng rắn với Iran, cũng như duy trì hiện diện ở Afghanistan, cải thiện quan hệ với Saudi Arabia.
Nhiều ý kiến chỉ trích chính sách ông Trump không phù hợp và thiếu thực tiễn. Cựu đại sứ Mỹ ở Iraq và Afghanistan Ryan Crocker, từng làm việc cho hai đời Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, thì lo ngại rằng chính sách đối ngoại của ông Trump vừa mang tính cô lập lẫn đối phó là chính. Theo ông, chính sách cứng rắn hiện nay của Mỹ với Iran là do Washington hiểu quá ít về Iran - một hệ thống chính trị phức tạp nhất Trung Đông hiện nay, trong khi Mỹ đã 38 năm không hiện diện ở Iran. Ông cũng cho rằng chính sách hiện tại của chính phủ ông Trump với Pakistan sẽ phản tác dụng.