Tờ Nikkei Asian Review ngày 24-9 đăng bài nghiên cứu cho biết 3/4 các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” gần đây có giao dịch với quân đội Trung Quốc.
Đây là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực tư nhân dưới sự thúc đẩy của Chủ tịch Tập Cận Bình về chính sách "hợp nhất quân sự - dân sự".
Quân đội Trung Quốc núp bóng
Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 8 đã thêm 24 công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể (Entity List) với cáo buộc đóng vai trò trong quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông của Bắc Kinh.
Theo một đánh giá trên dữ liệu công khai và thông tin đã được kiểm chứng, 18 trong số 24 công ty này có quan hệ với quân đội Trung Quốc, trong đó có tám công ty thuộc một trong ba tập đoàn 100% vốn nhà nước Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, Tập đoàn Điện tử Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC).
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. Ảnh: KYODO
Theo Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc (SASTIND), các tập đoàn này nằm trong số 10 nhà thầu quân sự hàng đầu của nước này. Họ được cho là đóng vai trò cung cấp thiết bị điện tử, phần mềm và chuyên môn liên quan đến tàu trong quá trình Bắc Kinh xây dựng các tiền đồn ở Biển Đông.
Nhiều công ty mới bị trừng phạt khác cũng thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm một số công ty do chính quyền cấp tỉnh kiểm soát. Các trang web liên kết với các công ty này hiển thị các sản phẩm cung cấp cho quân đội Trung Quốc.
Ngày 28-8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bổ sung 11 cái tên vào danh sách "các công ty quân sự của Trung Quốc", bao gồm Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) và một đơn vị thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CAST), cả hai đều nằm trong số 10 nhà thầu quân sự hàng đầu của nước này.
Những nhà thầu này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ trên một loạt các lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quân sự từ phát triển vũ khí hạt nhân đến truyền thông.
Chẳng hạn, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc sản xuất thiết bị truyền thông và Công ty Điện tử Trung Quốc sản xuất thiết bị mạng. Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo máy bay chiến đấu, trong khi Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC) chuyên sản xuất động cơ máy bay. Các công ty khác trong danh sách hoạt động trên lĩnh vực chế tạo súng và xe tăng, cũng như xử lý các dự án cơ sở hạ tầng.
Chi phối "bộ não" của công ty
Quân đội Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đối với các nhà thầu đối tác, theo đó bố trí các sĩ quan và giữ các chức vụ điều hành tại các công ty liên kết với quân đội để tạo điều kiện cho việc phát triển chung tên lửa và các loại vũ khí khác, Nikkei Asian Review dẫn nguồn báo chí Trung Quốc cho biết.
Lãnh đạo của các công ty cũng có xu hướng đến từ các cơ sở nghiên cứu quân sự - dân sự. Họ phát triển và cung cấp các sản phẩm do quân đội quy định phù hợp với các kế hoạch do lãnh đạo Trung Quốc đưa ra.
Có khoảng 600 công ty Trung Quốc thuộc hiệp hội công nghiệp quốc phòng trực thuộc SASTIND. Hiệp hội này giúp các thành viên phối hợp nhằm phát triển vũ khí hiệu quả hơn.
Trung Quốc đang đẩy mạnh chính sách "hợp nhất quân sự - dân sự", tranh thủ các công ty công nghệ cao dân sự nhằm phát triển công nghệ quốc phòng. Bản thân ông Tập là chủ tịch Ủy ban Trung ương về Phát triển Kết hợp Quân sự-Dân sự và chính quyền các địa phương cũng đã thành lập các cơ quan riêng nhằm thực thi chính sách này.
Tàu sân bay Sơn Đông, được đưa vào hoạt động hồi tháng 12-2019 với tư cách là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, là kết quả của sự thúc đẩy từ ông Tập. Tổng cộng có 532 công ty tham gia vào quá trình đóng con tàu này, dẫn đầu là CSSC. Đáng chú ý, gần 80% các nhà thầu không có giao dịch nào trước đó với quân đội Trung Quốc.
Hơn 400 công ty cũng tham gia phát triển Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou, phiên bản GPS của Trung Quốc được hoàn thành vào tháng 6. Quân đội Trung Quốc cũng đang làm việc với các công ty dân sự về công nghệ tự lái, tờ báo dẫn một nguồn tin thân cận cho biết.