Tại tọa đàm về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam do Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức, ông Francesco Checchi (cố vấn PCTN khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm - UNODC) cho biết: Có đến 3.600 tỉ USD hối lộ, tham nhũng mỗi năm trên phạm vi toàn cầu.
Khó phân biệt tiền sạch
Ông thông tin con số trên tương đương với 5% GDP của thế giới. Đáng chú ý, tại các nước đang phát triển, ước tính số ngân sách tham nhũng lớn gấp 10 lần tổng giá trị viện trợ phát triển chính thức - ODA.
“Khi tiền công bị đánh cắp có nghĩa rằng nguồn lực để xây trường học, bệnh viện, đường sá, cầu cống và các công trình công ích khác càng trở nên hiếm hoi. Tham nhũng khiến thuốc giả hay kém chất lượng tràn ra thị trường, còn những rác thải nguy hiểm thì bị vùi trong đất hoặc đổ ra đại dương” - vị cố vấn phân tích.
Ông Checchi sau đó đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật PCTN sửa đổi và tin tưởng điều này sẽ tạo động lực quan trọng trong công tác PCTN thời gian tới vì luật có rất nhiều quy định mới đáng chú ý.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim cũng cho rằng các chính sách pháp luật của Việt Nam về PCTN từng bước đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Ông dẫn chứng bằng việc vừa qua Đảng và Nhà nước khi phát hiện, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn, trong đó có những đối tượng trước đây vốn được coi là “vùng cấm”.
Nhắc đến Luật PCTN sửa đổi, ông Kim đề cập đến quy định về xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc và thể hiện sự tiếc nuối khi đến phút chót vấn đề này được đưa ra khỏi dự thảo luật. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ thừa nhận rất khó khăn trong xử lý câu chuyện này, bởi cơ chế quản lý những tài sản lớn trong xã hội chưa thật chặt chẽ. Cạnh đó, do nền kinh tế sử dụng tiền mặt vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn nên rất khó kiểm soát các dòng tiền giao dịch…
“Dù có Luật Chống rửa tiền nhưng để khẳng định đâu là tiền sạch, đâu là tiền có vấn đề rất khó, kể cả tiền chuyển về từ nước ngoài, quản lý vấn đề này đang đối mặt với nhiều khó khăn” - ông Kim nói.
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: PA
Kê khai tài sản chưa phản ánh về xung đột lợi ích
Vị chuyên gia của Thanh tra Chính phủ cũng cảnh báo việc xử lý tài sản của cán bộ trong trường hợp không giải trình rõ nguồn gốc nếu làm không tốt sẽ tạo ra những hệ lụy rất đáng tiếc bởi liên quan đến quyền tài sản của công dân. “Công chức cũng là công dân, cũng có nghĩa vụ kê khai và giải trình nhưng ở mặt nào đó, họ vẫn có quyền về tài sản cá nhân” - ông Kim nói.
Cũng theo ông Kim, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng, trong đó một số là doanh nghiệp, những người làm ăn hay người dân nỗ lực phấn đấu. Số còn lại là quan chức và số quan chức giàu rất nhiều. Nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau, không loại trừ tình trạng quan chức giàu có do vi phạm, lợi dụng cơ hội từ vị trí công tác của họ đem lại.
Ông Kim kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của “người đốt lò vĩ đại” sẽ đốt được nhiều củi tươi, củi khô, làm cho xã hội của chúng ta tốt hơn.
Trong khi đó, cũng minh chứng bởi các vụ án lớn xảy ra vừa qua, ông Cung Phi Hùng (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Thanh tra Chính phủ) lại cho rằng việc kê khai chỉ mang hình thức, khiến kiểm soát kê khai thực sự khó khăn. “Kê khai mà không kiểm soát được thì PCTN đã thất bại” - ông Hùng nói và đặt câu hỏi cho vị chuyên gia của Liên Hiệp Quốc: Liệu các nước khác có áp dụng công nghệ thông tin trong kê khai và kiểm soát tài sản hay vẫn làm thủ công như Việt Nam?
Đáp lại, ông Francesco Checchi thừa nhận kê khai, kiểm soát tài sản là vấn đề rất rộng và khó. Ông Checchi đánh giá cơ chế kê khai tài sản của Việt Nam khá tốt, tuy nhiên kê khai tài sản hiện nay chưa có phân tích về xung đột lợi ích, chưa có báo cáo về những khả năng có thể xảy ra xung đột lợi ích. Đặc biệt, kê khai tài sản mới chỉ tập trung vào thu nhập nên có thể bổ sung một số yếu tố cần thiết khác.
Phải bảo vệ tốt người tố cáo tham nhũng Liên quan đến việc bảo vệ những người cung cấp thông tin tố cáo tham nhũng, ông Checchi cho rằng không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia khác đều gặp khó khăn trong vấn đề này. Tố cáo tham nhũng ở nơi làm việc đều lo ngại bị trù dập, vì vậy cần phải có cơ chế mạnh mẽ hơn để người ta không cảm thấy quá sợ hãi vì bị trả thù. “Vấn đề này rất phức tạp nhưng lại là yếu tố cốt lõi, muốn PCTN thành công cần cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng” - ông Checchi nói. Chính phủ đang xây dựng văn bản chỉ thị tăng cường giải pháp chống tham nhũng vặt, trong đó nhấn mạnh tăng cường tiếp nhận, giải quyết tin báo qua đường dây nóng để tiếp nhận kịp thời tin báo của người dân, doanh nghiệp về sự nhũng nhiễu của người có chức vụ, quyền hạn. Năm 2019 Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác này, nó rất quan trọng trong giải quyết tham nhũng vặt. Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ |