Chiều 4-9, Cục CSGT Bộ Công an cho biết, trong bốn ngày ngày nghỉ lễ 2-9 (từ 1-9 đến 4-9) lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện xử lý hơn 40.000 trường hợp vi phạm, phạt hơn 60 tỉ đồng.
Cụ thể, toàn quốc xảy ra vụ 79 tai nạn giao thông (giảm 24,04% so với bốn ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5), làm chết 48 người (giảm 12,73%), bị thương 51 người (giảm 39,29%). Đường bộ xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông, làm chết 48 người, bị thương 51 người; đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế. Ảnh: UYÊN TRANG |
Trên tuyến đường bộ, CSGT Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 41.214 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 60 tỉ đồng; tạm giữ 941 xe ô tô, 12.700 xe mô tô, 106 phương tiện khác; tước 6.298 GPLX các loại.
Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT kiểm tra, lập biên bản 296 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỉ đồng, tước GPLX 140 trường hợp, tạm giữ 19 phương tiện.
Trên tuyến đường thủy, cảnh sát đường thủy thuộc Cục CSGT và Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 510 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 600 triệu đồng; tước bằng, chứng chỉ chuyên môn tám trường hợp, tạm giữ hai phương tiện thủy.
Riêng về thực hiện các chuyên đề cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT xử lý 8.876 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; phạt tiền gần 40 tỉ đồng. Trong đó, 2.909 trường hợp vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, 147 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn.
Về vi phạm về tốc độ, CSGT xử lý 7.979 trường hợp; phạt tiền hơn 10 tỉ đồng. Trong đó, 396 trường hợp vượt từ 20 km/h đến 35 km/h, 18 trường hợp vượt trên 35 km/h.
Về xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe chở hàng quá tải trọng, quá khổ, CSGT xử lý 2.043 trường hợp; phạt tiền hơn 100 tỉ đồng.
Cũng theo Cục CSGT, từ chiều ngày 31-8 đến trưa ngày 4-9, do lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao vào dịp nghỉ lễ do người dân di chuyển về quê, đi du lịch và ngược lại nên tại Hà Nội, TP.HCM và một số tuyến đường chính đến các địa phương có khu du lịch, các phương tiện di chuyển chậm.
Đây là đợt nghỉ lễ có lượng phương tiện tăng cao từ sau dịch bệnh COVID-19. Lực lượng CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông theo đúng nội dung các phương án phân luồng giao thông.
Tại Hà Nội và các địa phương giáp ranh không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, tại một số khu vực cửa ngõ và bến xe xảy ra tình trạng ùn ứ. Riêng tại đường vành đai 3 trên cao, lượng xe tăng đột biến do người dân bắt đầu về quê nghỉ lễ. CSGT đã triển khai các phương án điều tiết, đến đêm cùng ngày tình hình giao thông trở lại bình thường.
Từ chiều 3-9 đến trưa 4-9, lượng xe một số tuyến cửa ngõ và nội đô thành phố gia tăng trở lại do người dân di chuyển từ các địa phương về Hà Nội. Đường vành đai 3 trên cao, nút giao Pháp Vân - Ngọc Hồi thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn ứ do lượng xe ngày một nhiều hơn.
Do tình trạng giao thông ùn ứ, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 đã yêu cầu xả trạm nút giao Thường Tín để giảm tải lưu lượng xe tham gia giao thông trên toàn tuyến.
Tại TP.HCM, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm đi các địa phương liên quan tình hình giao thông tương đối ổn định, có thời điểm tăng cao.
Tại khu vực Cầu Rạch Miễu một số thời điểm xe đông nên Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã phối hợp điều tiết, phân luồng và yêu cầu trạm thu phí Rạch Miễu xả trạm hai lần.