Hiểu rõ về “cơ thể” và “tính cách” của xe
Mỗi loại xe máy có một cấu tạo kỹ thuật, đặc điểm vận hành với ưu, khuyết điểm riêng, đòi hỏi người sử dụng phải hiểu về cấu tạo xe và thành thục những kỹ năng vận hành khác nhau.
Người điều khiển phải biết kết hợp tăng ga, bóp côn và vào số nhịp nhàng. Xe phân khối lớn và xe ga thường có trọng lượng nặng hơn xe số, vì thế, cách ôm cua an toàn nhất là phải nghiêng người lợi dụng sự thăng bằng của thân xe để cua (không nên dùng tay lái như xe số vì trọng lượng xe nặng, dễ bị văng ra khỏi xe).
Với dòng xe thể thao (Sport bike) như: Honda Wave, Future, Yamaha Exciter... do có trọng lượng nhẹ hơn, thiết kế khí động học, lốp bám đường nên có thể ôm cua từ 45 - 60 độ (tuy nhiên bạn cũng cần nhớ rằng tốc độ an toàn nhất khi vào cua ở những xe này là từ 40 - 60 km/h).
Ngược lại, ở dòng xe côn, phân khối lớn (Cruiser) lại không thể thực hiện những cú ôm cua như xe Sport, cách vào cua an toàn nhất là phải lấy lái rộng hơn, khúc cua càng gấp thì tốc độ xe phải càng giảm xuống (tuyệt đối tránh bẻ lái ôm cua khi xe đang chạy tốc độ cao, cố gắng giữ xe cân bằng, không lắc tay lái).
Khắc phục điểm “mù” trên gương
Luôn tỉnh táo để quan sát tốt
Khi lái xe vào ban đêm, người lái càng phải tập trung cao độ do tầm nhìn bị hạn chế. Lúc này độ rủi ro tăng cao, bởi các yếu tố như: đèn pha không đủ soi rõ các chướng ngại vật phía trước, người lái bị pha ngược chiều loá mắt, các phương tiện khác không kịp thấy bạn từ xa... Vì thế, hãy làm mọi cách để các xe khác nhìn thấy bạn như: trang phục sáng màu, dùng còi khi khuất tầm nhìn, không chạy sát phía sau ôtô hoặc di chuyển với tốc độ ngang bằng các xe khác trong điểm “mù” của chúng.
Trước khi đổi hướng phải bật xi nhan, nhìn 2 gương và liếc mắt kiểm soát cả điểm “mù” của gương. Ngoài ra, cần giữ khoảng cách với các xe tải chở vật liệu, chở hàng hoá không được buộc kỹ, vì chúng có thể rơi ngay trước xe bạn.
Đừng cố vượt
Không nên cố vượt qua các xe khác khi bạn chưa đảm bảo các yếu tố an toàn. Theo các chuyên gia LXAT, bạn chỉ nên vượt xe khi thấy ôtô chạy ngược chiều lại còn cách xa xe mình phải vượt và phía trước của xe đi trước không có biển cấm vượt xe, tình trạng đường sá và giao thông phía trước xe định vượt đảm bảo an toàn.
Với những xe số, trước khi vượt cần chuyển về số thấp để tăng độ vọt trong khi vượt, khi đã qua đầu xe cần vượt là lúc chuyển sang các số cao để tránh tình trạng gằn máy.
Khi định vượt xe, bạn phải xác định được xe đi sau không có ý định vượt xe của mình hoặc đang vượt xe mình để tránh nguy hiểm trường hợp vượt xe song song. Đặc biệt, không cố tình vượt khi xe phía trước chưa có tín hiệu cho vượt. Trước, trong và sau khi vượt phải chú ý giữ cự ly an toàn với xe bị vượt.
* 7 nguyên nhân gây TNGT khi xe máy vượt ôtô: Vượt xe phía trước khi đang vào đường cua vòng; thiếu quan sát xung quanh (phía trước); vượt xe khi chưa đủ điều kiện an toàn (ôtô phía trước chưa nhường đường); lấn sang làn đường dành cho xe đi ngược chiều; thiếu kỹ năng dự đoán tình huống nguy hiểm; không đưa ra tín hiệu xin vượt (nháy đèn, bóp còi); chạy xe tốc độ cao. * 8 bước vượt xe an toàn: Duy trì tốc độ ổn định ở phía sau xe định vượt, giữ khoảng cách an toàn với xe định vượt; kiểm tra an toàn phía trước; kiểm tra an toàn phía sau qua gương và 2 bên bằng mắt (quay đầu qua vai); bật đèn xi nhan trái báo hiệu chuyển hướng và dịch chuyển dần sang bên trái; kiểm tra an toàn một lần nữa khi xe phía trước đã nhường đường; tăng tốc độ để vượt, giữ khoảng cách an toàn với xe bị vượt tối thiểu 2m bề ngang; trong khi vượt, dùng còi để báo hiệu cho xe bị vượt biết là bạn đang vượt; sau khi vượt xe, xin đường bên phải, kiểm tra an toàn xung quanh và chuyển hướng dần về bên phải. (Phòng Lái xe an toàn, Công ty Honda Việt Nam) |
Theo Diễn đàn Honda 67