Ngày 27-11, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử và tuyên phạt bốn nhân viên Công ty CP Địa ốc Alibaba về các tội cố ý làm hư hỏng tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Tòa tuyên phạt Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (24 tuổi, nhân viên bộ phận pháp lý của Alibaba) bốn năm sáu tháng tù, Trần Quốc Tĩnh ba năm chín tháng tù, Phan Quỳnh Long và Huỳnh Ngọc Thiện mỗi người hai năm sáu tháng tù cùng về hai tội danh trên. Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền hơn 29 triệu đồng do xe cuốc bị phá hỏng.
Lời khai của người chỉ đạo “đập xe cuốc cho chị”
Tại tòa, bị cáo Tú Trinh khai vào làm việc về bộ phận pháp lý cho Alibaba từ tháng 5-2017. “Do trước đó không có thông tin, quyết định cưỡng chế đất này nên chúng tôi cho rằng việc cưỡng chế là không đúng” - Trinh nói.
Theo Trinh, sau khi biết tin bị cưỡng chế, Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch Công ty Alibaba) đã chỉ đạo Trinh và một số nhân viên cùng Nguyễn Thái Lực (em của Luyện) đến làm việc với UBND thị xã Phú Mỹ. Mục đích là “làm lớn chuyện, làm rúng động vụ việc, biểu tình trong ôn hòa để có lợi cho công ty”.
Sáng 13-6, nghe tin đoàn cưỡng chế đang cuốc đường trong khu đất tại xã Tóc Tiên nên nhóm của Trinh kéo vào. Tại đây, Trinh lớn tiếng cự cãi và chỉ đạo các nhân viên khác: “Đập chiếc xe cuốc đó cho chị. Xử lý luôn chiếc xe cẩu, xe máy, nhanh lên, có nghe chị nói không, không cho đi đâu hết”.
Chủ tọa liên tục nhắc nhở bị cáo Trinh khi bị cáo này nói việc “cưỡng chế là trái phép”. “Tòa chưa nói đến việc Alibaba chưa được cấp phép dự án, chưa được phân lô mà bán. Việc cưỡng chế do cơ quan nhà nước ban hành không phải là trái phép, chỉ là đã đúng hay chưa thôi” - chủ tọa giải thích.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và các “cộng sự” tại tòa. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
Không nhận tội gây rối trật tự công cộng
Tại tòa, luật sư của bị cáo Trinh cho rằng cơ quan tố tụng khởi tố các bị can thêm tội gây rối trật tự công cộng là không thỏa đáng. Cả bốn bị cáo đều cho rằng mình không phạm tội này và đề nghị HĐXX xem xét lại. Tuy nhiên, cả VKS và HĐXX đều bác bỏ quan điểm này.
VKS cho rằng qua diễn biến của vụ án và hành vi, vai trò của các bị cáo có đủ cơ sở xác định đây là vụ án các bị cáo phạm tội có tổ chức, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể.
Trong đó bị cáo Tú Trinh giữ vai trò cầm đầu, kích động, xúi giục người khác phạm tội với thái độ hung hãn, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.
Theo HĐXX, bị cáo Trinh có vai trò cầm đầu, tổ chức kích động các nhân viên Alibaba đập phá xe cuốc đoàn cưỡng chế, gây ảnh hưởng tới quản lý trật tự xây dựng, đất đai, an ninh trật tự, an toàn tại địa phương.
HĐXX cũng bác quan điểm của luật sư của bị cáo và cho rằng không có cơ sở để xem xét và quyết định tuyên án như trên.
Nguyễn Thái Luyện và “đế chế” Alibaba Hành vi chỉ đạo, xúi giục nhân viên tụ tập để biểu tình của lãnh đạo Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện cũng như những sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ vẫn đang được CQĐT tách ra điều tra làm rõ ở một vụ án khác. Công ty CP Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện là chủ tịch hội đồng quản trị, Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) là giám đốc đại diện theo pháp luật, Nguyễn Thái Lực (cũng là em trai Luyện) là trợ lý cho Luyện. Tháng 1-2019, Lực được Sở TN&MT cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm đối với các thửa đất nông nghiệp số 133, 248, 249, 139, tờ bản đồ số 17, tọa lạc tại xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau đó Lực và Công ty Alibaba đã tự lập dự án, phân lô, bán nền trái phép, lén lút thi công xây dựng trên khu đất vào các ngày lễ, cuối tuần và ban đêm để tránh bị phát hiện. Công trình xây dựng được khoảng 80% thì bị UBND xã Tóc Tiên phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Lực và công ty thi công không ký biên bản, không hợp tác làm việc. Sau đó UBND xã này đã ra quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế công trình vi phạm trên. |