5 dự án ngàn tỉ ở các cửa ngõ đã trình UBND TP.HCM

(PLO)- Năm dự án ngàn tỉ được Sở GTVT trình UBND TP.HCM gồm: Quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, dự án cầu đường Bình Tiên với tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã trình UBND TP để đề xuất danh mục dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Ngân sách TP chỉ đáp ứng 28% nhu cầu cho ngành giao thông

Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP đã triển khai nhiều dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, việc sử dụng các hợp đồng BOT như một phương thức cấp vốn và phát triển các dự án.

Hiện nay, ngân sách TP chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu đầu tư cho ngành giao thông. Theo đó, việc sử dụng loại hợp đồng BOT cho công trình giao thông đường bộ hiện hữu có thể giải quyết vấn đề về vốn trong điều kiện nguồn vốn còn nhiều hạn chế.

Quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 13,... được đề xuất mở rộng. Ảnh: ĐT

Quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 13,... được đề xuất mở rộng. Ảnh: ĐT

Theo đó, để tập trung đầu tư, Sở GTVT đã xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu. Trong đó, Sở GTVT TP đã đưa ra 5 tiêu chí.

Cụ thể gồm: Tính chất và vai trò của các tuyến đường; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; đánh giá sơ bộ về tính khả thi về phương án tài chính của dự án; khả năng huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư vào dự án; khả năng cân đối vốn ngân sách tham gia dự án.

Qua đánh giá, Sở GTVT TP đề xuất năm dự án ở các cửa ngõ, với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỉ đồng, được đề xuất ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2023-2030.

Sẽ trình HĐND TP vào tháng 9 tới

Sở GTVT cho biết, sau khi xây dựng các tiêu chí trên sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tiếp nhận đề xuất dự án đảm bảo theo năm tiêu chí.

Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP xem xét, trình HĐND TP ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP của Nghị quyết số 98.

Trong đó, ngành giao thông cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023-2030 và bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2024 để thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến 5 tỉ đồng).

Kiến nghị UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (bao gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi).

Kiến nghị UBND TP chấp thuận trên cơ sở tiêu chí đánh giá lựa chọn dự án được cấp thẩm quyền thông qua. Đồng thời, giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành liên quan tiếp tục rà soát đề xuất danh mục dự án đầu tư.

Danh mục năm dự án BOT được đề xuất

Mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6, có tổng gần gần 12.900 tỉ đồng. Dự án được đề xuất ngân sách Nhà nước tham gia với tỉ lệ 50% và doanh nghiệp 50%.

Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3) dài 9,1 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.609 tỉ đồng. Ngân sách TP tham gia đầu tư với tỉ lệ 67%, doanh nghiệp tham gia 33%.

Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài gần 5 km, với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng. Ngân sách TP thực hiện với tỉ lệ 50% vốn đầu tư và doanh nghiệp 50%.

Trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km, với tổng vốn gần 4.500 tỉ đồng. Ngân sách TP tham gia 70% và doanh nghiệp tham gia 30%.

Cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) dài 3,2 km, với tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước tham gia 54% và doanh nghiệp tham gia 46%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm