Trang web The Washington Free Beacon ngày 23-11 (giờ địa phương) đã công bố hai báo cáo nghiên cứu đánh giá hoạt động quân sự của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Hai báo cáo do Văn phòng Thẩm định thực tế (trực thuộc Lầu Năm Góc) đặt hàng nghiên cứu và không được công bố rộng rãi.
Báo cáo đầu tiên ghi nhận theo tin tình báo Nhật, Trung Quốc đã leo thang chiến dịch dọa nạt quân sự tại vùng biển quần đảo Senkaku (Nhật) trên biển Hoa Đông.
Báo cáo thứ hai dự báo trong năm năm tới, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi quy mô lực lượng cảnh sát biển nhằm bảo vệ nguồn cung ứng dầu hỏa từ Trung Đông qua Ấn Độ Dương và biển Đông.
Điều tàu quấy rối ngày càng lớn hơn
Trong hai cuộc họp của “Nhóm công tác về củng cố liên minh Nhật-Mỹ” vào tháng 10-2015 và tháng 3-2016, Văn phòng Tình báo và nghiên cứu chính phủ Nhật (CIRO) tiết lộ tin tình báo cho thấy lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã mở chiến dịch dọa nạt quanh quần đảo Senkaku.
Nhà phân tích Mukaiyama của CIRO cho biết chiến dịch gồm năm giai đoạn:
• Từ tháng 9-2012 đến 7-2013: Các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển xung quanh Senkaku theo cách trông như không có tổ chức.
• Từ tháng 7 đến tháng 10-2013: Các vụ xâm nhập có tổ chức hơn, trong đó có hai tàu dân quân biển cùng tham gia với tàu cảnh sát biển Trung Quốc.
• Từ tháng 11-2013 đến tháng 12-2014: Ba tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần Senkaku. Mỗi lần xâm nhập đều có một tàu 3.000 tấn.
• Suốt năm 2015: Trung Quốc điều tàu cảnh sát biển mới đóng hơn 3.000 tấn đến Senkaku.
• Từ tháng 12-2015 đến mùa xuân năm nay: Trung Quốc bắt đầu đưa tàu hải quân cùng với tàu cảnh sát biển lập thành nhóm ba hay bốn tàu, trong đó có tối thiểu một tàu khu trục cũ.
Ngoài ra, từ tháng 11-2015, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc bắt đầu điều tàu thu thập tin tình báo đến gần quần đảo Senkaku.
Dự báo trong giai đoạn tới Trung Quốc sẽ điều tàu hơn 10.000 tấn đến Senkaku và chuyển đổi tàu cao tốc thành tàu cảnh sát biển.
Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông ngày 1-8-2016. Ảnh: THX
Giàn khoan nhằm phục vụ quân sự
CIRO ghi nhận Trung Quốc đã đơn phương gia tăng hoạt động khai thác dầu khí gần đường trung tuyến Nhật-Trung gần quần đảo Senkaku.
Số giàn khoan dầu trong khu vực của Trung Quốc đã tăng từ bốn giàn khoan năm 2013 lên 16 giàn khoan năm 2015.
CIRO đánh giá các giàn khoan này thật ra phục vụ cho mục đích quân sự vì xét về kinh tế, số lượng giàn khoan nhiều sẽ không có lợi.
Báo cáo của CIRO nhận xét Nhật tin rằng hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông sẽ được Trung Quốc áp dụng trong tương lai trên biển Hoa Đông.
CIRO đánh giá điểm yếu của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc là thiếu nhân lực đủ năng lực khai thác tàu mới và tàu mới luôn gặp trục trặc trong công tác bảo trì vì được chế tạo quá kém.
CIRO nhận xét Trung Quốc đang nỗ lực sửa chữa khuyết điểm này bằng cách bổ sung thêm tàu hải cảnh lớn hơn và trang bị tốt hơn đồng thời xây dựng căn cứ mới gần TP Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) để tiện điều tàu đến quần đảo Senkaku.
Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi tàu hải cảnh
Báo cáo của CIRO đánh giá Trung Quốc ưu tiên cho biển Đông và Ấn Độ Dương hơn biển Hoa Đông.
Ở biển Đông, CIRO đã có hình ảnh vệ tinh xác nhận Trung Quốc đã xây đường băng trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn. Các đường băng đủ sức tiếp nhận bất kỳ loại máy bay lớn nào.
CIRO đánh giá Trung Quốc âm mưu kiểm soát biển Đông bởi phụ thuộc vào ngoại thương và phần lớn hoạt động ngoại thương lại đi qua biển Đông. Đặc biệt nguồn cung dầu hỏa của Trung Quốc sẽ bị đứt nếu tàu bè Trung Quốc bị chặn ở biển Đông và eo biển Malacca.
Vì lẽ đó, Trung Quốc khăng khăng bám vào yêu sách chủ quyền và thiết lập kiểm soát quân sự trên biển Đông.
Trong khuôn khổ chương trình gia tăng sự hiện diện của lực lượng cảnh sát biển, năm 2015 Trung Quốc cũng đã tăng 33% số tàu hải cảnh. Văn phòng Thẩm định thực tế (Lầu Năm Góc) dự báo từ đây đến năm 2019, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi số tàu hải cảnh.
Ngoài ra, CIRO cũng tin rằng dân quân biển Trung Quốc ngày càng can thiệp vào các sự cố nguy hiểm trên biển.
Lực lượng này đang hoạt động phối hợp với hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc thông qua các cuộc diễn tập chung và chia sẻ các kế hoạch chỉ huy và kiểm soát.
Để thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á, Lầu Năm Góc đã đưa ra dự án giúp Nhật thành lập một văn phòng thẩm định thực tế như ở Lầu Năm Góc. Văn phòng này sẽ phụ trách thẩm định các điểm mạnh và điểm yếu của lực lượng phối hợp Mỹ-Nhật và các kịch bản xảy ra nếu có xung đột quân sự với Trung Quốc. Dự án ra đời năm 2014 do Giám đốc Văn phòng Thẩm định thực tế (Lầu Năm Góc) Andrew Marshall đề xuất. Ông đã cùng với Shigeru Kitamura, Giám đốc CIRO, lập ra “Nhóm công tác về củng cố liên minh Nhật-Mỹ” gồm nhiều chuyên gia quân sự và quốc phòng của hai nước. Nhóm công tác đã hoạt động được hai năm và tổ chức ba cuộc họp vào tháng 5-2015, 10-2015 và 3-2016. Trong cuộc họp vào tháng 10-2015 tại Tokyo có cả Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Kazuhiro Sugita tham gia. Cuối cùng Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nhật phản đối lập văn phòng thẩm định thực tế riêng với lý do phần lớn cán bộ của CIRO xuất thân từ cảnh sát nên không đủ khả năng phân tích và thẩm định chiến lược quân sự. _______________________________ Lực lượng hải quân Trung Quốc cũng bao gồm cảnh sát biển và dân quân biển. Đừng nên đánh đồng dân quân biển với ngư dân. Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng có tổ chức, có bộ máy và đã từng quấy rối tàu hải quân Mỹ. Đối với cảnh sát biển Trung Quốc, lực lượng này đã từng không tuân thủ Bộ quy tắc Mỹ-Trung về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Đô đốc SCOTT SWIFT, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ |