5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch đô thị

(PLO)- Thủ tướng nhấn mạnh việc xác định phát triển đô thị sẽ gồm ba trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Ngày 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, phổ biến Nghị quyết 148/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

TP.HCM đang hướng tới đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, khu trung tâm tài chính, kinh tế của Đông Nam Á. Ảnh: HÀ THANH

TP.HCM đang hướng tới đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, khu trung tâm tài chính, kinh tế của Đông Nam Á. Ảnh: HÀ THANH

Nghiên cứu làm sân bay quốc tế phía nam Hà Nội

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay sau gần 15 năm hợp nhất, việc huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng góp phần tạo diện mạo mới cho thủ đô.

Tuy nhiên, cạnh những kết quả đạt được, TP cũng nhận thức rõ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thời gian qua vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Cụ thể, Hà Nội chưa được định hình rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Ông Tuấn cho hay TP Hà Nội đã xác định các nhiệm vụ chủ yếu, đồng thời kiến nghị một số nội dung. Đáng chú ý, ông Tuấn nhắc tới việc hình thành một số cực tăng trưởng mới, xây dựng mô hình phát triển “TP thuộc thủ đô” đảm bảo kết nối với các tỉnh, thành xung quanh để hình thành động lực phát triển kinh tế vùng...

Ngoài ra, Hà Nội cũng xác định tập trung phát triển các huyện lên quận, xây dựng đô thị thông minh, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư dọc các con sông. Cùng với đó là việc nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và nghiên cứu sân bay quốc tế phía nam; quy hoạch phát triển các không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng...

TP.HCM mục tiêu hướng tới đô thị đẳng cấp quốc tế

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhắc tới một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục sớm trong quá trình phát triển đô thị như: Tình trạng kẹt xe, ngập nước; các vấn đề hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch.

Lý giải nguyên nhân, ông Cường cho hay có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, quy định của pháp luật hiện hành.

Nhấn mạnh mục tiêu TP.HCM hướng tới trở thành đô thị đạt đẳng cấp quốc tế, trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, ông Cường đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, TP.HCM đề ra nhiệm vụ làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Cạnh đó, ông Cường cũng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn. TP cũng tập trung xây dựng các dự án trọng điểm trên địa bàn như nút giao thông An Phú, các cầu nối quận 7, TP Thủ Đức với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía đông…

Ông Bùi Xuân Cường đề xuất mở rộng hành lang pháp lý và mô hình quản trị để khai thác cơ chế thu lại giá trị gia tăng từ đất khi đầu tư và cải thiện hạ tầng cơ sở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong quy hoạch đô thị, chương trình hành động của Chính phủ đề ra 33 nhiệm vụ, tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ giải pháp.

Quy hoạch cần đi trước một bước

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chương trình hành động của Chính phủ đề ra 33 nhiệm vụ, tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ giải pháp.

Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị; vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung; xác định phát triển đô thị gồm ba trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Thứ hai là nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

“Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá” - Thủ tướng nói.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba là về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực; có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực. Đồng thời phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài.

Thứ tư là nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Vì phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng. Đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Thứ năm là nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật. Cần phát hiện các vướng mắc về chính sách và phản ứng kịp thời, hiệu quả.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến việc cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị.•

Cần có chính sách cho địa phương

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu ý kiến: Các chuyên gia cho rằng cần có các cơ chế, chính sách để các địa phương có thể chủ động tháo gỡ rào cản.

Từ đó, các địa phương có thể thúc đẩy công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị tại địa phương (từ trường hợp TP.HCM) cũng như chủ động thúc đẩy việc triển khai các dự án khu đô thị mới, hay có cơ chế phân cấp phù hợp trong xây dựng điều chỉnh quy hoạch chung của địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm