Theo đó, tổng thu NSNN từ đầu năm đến ngày 15-5 ước đạt 346.000 tỉ đồng, bằng 34,1% dự toán năm. Trong khi đó, tổng chi NSNN ước tính 412.000 tỉ đồng, bằng 32,4% dự toán năm (trong đó chi đầu tư phát triển 64.300 tỉ đồng, chi trả nợ và viện trợ 55.000 tỉ đồng).
Như vậy, trong năm tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã bị bội chi ngân sách hơn 66.000 tỉ đồng (khoảng 3 tỉ USD). Đây là mức bội chi tương đối cao trong bối cảnh các thuế quan được cắt giảm, thu ngân sách ngày càng khó khăn. Bội chi ngân sách tất yếu sẽ góp phần dẫn đến nợ công tăng cao lên.
Theo GS-TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, tỉ lệ nợ công, đặc biệt là nợ chính phủ trên GDP đang tăng nhanh, chi phí trả nợ ngày càng cao; thu khó khăn, trong khi tốc độ chi tăng nhanh làm cho cân đối NSNN hết sức căng thẳng và bị động, đang đe dọa đến khả năng trả nợ hằng năm của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn vay có những biểu hiện lãng phí, tiêu cực và kém hiệu quả.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ cần xây dựng một lộ trình tái cơ cấu NSNN với những bước đi đồng bộ. Trong đó tập trung vào tinh giản bộ máy hành chính và cắt giảm chi thường xuyên; thực hiện trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân đối với chi tiêu công.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thâm hụt ngân sách tăng là do công tác điều hành NSNN chưa chặt chẽ. Từ đó làm cho các quyết định chi tiêu hay vay nợ trở nên dễ bị tùy tiện và lạm dụng. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, mục tiêu đưa bội chi dưới 5% GDP của Quốc hội đặt ra sẽ khó hoàn thành. Do đó, Chính phủ cần mạnh tay cắt giảm chi thường xuyên và giảm bộ máy hành chính.
Theo tài liệu được công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, chi thường xuyên tăng lên và không có khả năng cải thiện vì nguồn thu từ dầu thô và doanh nghiệp đều giảm. Đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Số liệu thâm hụt ngân sách năm 2015 ước tính chiếm 6,34% GDP. Con số này cao hơn mục tiêu 5% GDP mà Quốc hội đưa ra trước đó. Đáng chú ý, tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm, phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo.