Trang Globalpost cho biết, khoản viện trợ này sẽ đem lại cơ hội tốt đẹp cho trẻ em ở khoảng 60 quốc gia trên thế giới, thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE). Bản thân từng là một giáo viên, ông Piebalgs nói: “Chúng tôi luôn cam kết đem lại cho trẻ em một môi trường giáo dục tốt nhất có thể, bất kể các em đang sinh sống ở đâu”.
EU và các nước thành viên đã đóng góp hơn 75% Quỹ GPE từ năm 2004-2013. Theo Ủy ban châu Âu (EC), tổng kinh phí EU dành cho giáo dục ở các nước đang phát triển dự kiến đạt 4,5 tỷ euro từ năm 2014-2020.
Quỹ GPE hy vọng sẽ kêu gọi được nguồn viện trợ khoảng 3,5 tỷ USD để hỗ trợ chi phí đến trường cho hơn 29 triệu trẻ em ở 66 quốc gia. Tổ chức này hoạt động dưới sự chủ trì của cựu thủ tướng Úc Julia Gillard, có vai trò ở 60 quốc gia với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục, đặc biệt là cho các trẻ em gái tại các quốc gia đang phát triển hoặc các quốc gia liên tục phải đối mặt với xung đột.
Nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển sẽ được đến trường nhờ vào các nguồn viện trợ nhân đạo như thế này. Ảnh: Newage
Giáo dục được xem là một công cụ để giúp người dân thoát nghèo, giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em, tránh được nạn bạo lực và thức đẩy hòa bình, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Ông Piebalgs bày tỏ hy vọng: “Tôi mong rằng động thái này của EU sẽ khuyến khích các nhà tài trợ khác nỗ lực hơn nữa. Không chỉ dừng lại ở mục tiêu đưa trẻ đến trường mà còn phải là chất lượng giáo dục tại đó”.
Italia là thành viên có nguồn đóng góp ổn định cho GPE nhiều năm qua. Trong năm 2014, nước này sẽ chi khoảng 1,5 triệu euro và duy trì ở mức này đến năm 2018. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế cũng đã buộc các nước phát triển phải cắt giảm chi tiêu khá nhiều, trong đó có phần viện trợ giáo dục và các chương trình nhân đạo.
Nguồn quỹ này sẽ được chuyển đến nhiều quốc gia kém phát triển ở châu Phi như Benin, Nepal, Nicaragua và Nam Sudan.
An Khương