“Trong 10 năm tới, ngành hàng không ở Việt Nam sẽ phát triển hơn nhiều nước trên thế giới".
Đó là nhận định của ông Michael Vũ Nguyễn - Tổng giám đốc Boeing Việt Nam - tại hội nghị "Đổi mới sáng tạo trong quản lý chất lượng sản xuất - hành trang tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", tổ chức ngày 24-4 tại Hà Nội.
Ông Michael Vũ Nguyễn - Tổng giám đốc Boeing Việt Nam trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: MIP |
Tại hội thảo, CEO Boeing Việt Nam cho biết tập đoàn này đã cung cấp 220 máy bay trong 28 năm kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài cung ứng máy bay, doanh nghiệp đa quốc gia này cũng đang tích cực tìm kiếm các công ty Việt Nam để mở rộng chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Đại diện tập đoàn Boeing cho biết hiện mới có 6 doanh nghiệp Việt đảm nhận cung cấp linh kiện, chi tiết và phần mềm cho Boeing. Trong đó, Tổng Công ty Sản xuất thiết bị Viettel đang là nhà cung ứng cấp 3 cho ông lớn ngành hàng không vũ trụ.
Đại diện cho Boeing mong muốn phía Viettel chuyển từ cung ứng cấp 3 lên cung ứng cấp 1, cung cấp trực tiếp cho Tập đoàn Boeing.
Thượng tá Nguyễn Thế Nghĩa - Tổng giám đốc Tổng Công ty Sản xuất thiết bị Viettel - cho biết, gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành hàng không vũ trụ sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn đơn hàng ổn định. Tuy nhiên, để tham gia được chuỗi này không hề đơn giản bởi các tiêu chuẩn khắt khe từ đầu vào, đầu ra đến quy trình sản xuất, nguồn nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng cho đến hệ thống quản trị thông tin.
Ông Nghĩa cho biết 2/3 doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng, chưa có hành động cụ thể để tham gia vào chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, những biến động trên thị trường quốc tế trong thời gian qua khiến cho việc gia nhập chuỗi gặp khó khăn hơn.
Mặc dù có quy mô trên 1.000 cán bộ nhân viên, sản xuất khoảng 40% cáp quang tại Việt Nam, doanh thu mỗi năm khoảng 200 triệu USD (khoảng 4.700 tỷ đồng) nhưng tổng công ty này cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện gặp 3 nhóm khó khăn thách thức.
Thứ nhất là khó khăn từ nguyên liệu, máy móc, nhân công đầu vào. Thứ hai là thông tin quan hệ với các doanh nghiệp nước ngoài còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Thứ ba là quản trị doanh nghiệp chưa đạt chuẩn phù hợp với chuỗi giá trị quốc tế.
Khi được hỏi về đề xuất chính sách từ phía Boeing đối với Chính phủ, cơ quan quản lý Việt Nam cũng như gợi ý cho các doanh nghiệp để có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho hãng.
Ông Michael cho biết khi tập đoàn này quyết định mở mang chuỗi cung ứng trên thế giới, Việt Nam được lựa chọn là quốc gia chiến lược. Đối với Tập đoàn Boeing, điểm quan trọng nhất là con người.
"Lấy một ví dụ khi tôi có cơ hội đến thăm các tỉnh thành, đa số chính quyền đều nói rằng chúng tôi có 100 ha, mời Boeing đến làm việc, lên 200 ha hay 500 ha cũng được. Chúng tôi đặt câu hỏi là ở đây có bao nhiêu trường đại học và việc huấn luyện, đào tạo ra sao. Chúng tôi cần vài ha thôi nhưng điểm mấu chốt là đầu óc con người. Vấn đề này rất quan trọng", vị Tổng giám đốc trả lời.
Ông cho biết trong thời gian qua đã đầu tư thời gian và làm việc với Tập đoàn Viettel cũng như gửi các chuyên gia từ Mỹ sang để huấn luyện nâng cao tay nghề nhân lực. Ông cũng cho biết thêm, tập đoàn sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp trong Hiệp hội.
Nâng cao đổi mới năng lực của doanh nghiệp
Tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến khó lường và khó dự báo dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030 duy trì xếp hạng về chỉ số GII thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; tầm nhìn đến năm 2045, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á…
Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung giải quyết những khía cạnh thuộc “phần ngọn”, hơn là tập trung giải quyết các khía cạnh tiền đề, thuộc về năng lực nền tảng như xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo chất lượng sản phẩm...
Trong khi đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đang có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia.
Vì vậy, yêu cầu nâng cao khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội đưa Việt Nam trở thành một trong những “công xưởng” sản xuất của thế giới.