Ngày 22-9, Sở Công thương TP Cần Thơ ban hành Công văn số 2774 hướng dẫn tạm thời phương án sản xuất bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
Văn bản được gửi cho Sở Y tế, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp; UBND các quận, huyện; Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (gọi chung là doanh nghiệp – DN) trên địa bàn.
6 lĩnh vực sản xuất được ưu tiên
Hướng dẫn này của Sở Công thương TP Cần Thơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trên địa bàn sớm phục hồi phát triển kinh tế, cách tiếp cận linh hoạt hơn để các DN chuyển đổi từ phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” sang hình thức vận hành mới mang tính bền vững hơn, chủ động hơn mà vẫn đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Cạnh đó, hướng dẫn trên tận dụng nguồn lực của chính DN để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế địa phương và tăng cường trách nhiệm của DN.
Lĩnh vực may mặc là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Trong ảnh là cảnh gia công sản phẩm tại Công ty CP May Meko, KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ trước ngày tạm dừng hoạt động. Ảnh: TH
Theo hướng dẫn của Sở Công thương TP Cần Thơ, đối tượng áp dụng phương án sản xuất bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 theo công văn số 2774 là các DN, gồm:
DN trong các lĩnh vực: Y tế (gồm dược phẩm, hóa dược, các nhóm ngành để phục vụ y tế…); Chế biến thủy, hải sản, sản phẩm chế biến từ nông sản, lương thực - thực phẩm (xay xát, chế biến gạo, lương thực, thực phẩm…), nước giải khát.
Lĩnh vực phân bón, hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất giống cây trồng vật nuôi; Sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí – chế tạo.
Lĩnh vực in ấn, bao bì, may mặc, thuộc da; Sản xuất hàng tiêu dùng, nhóm ngành phụ trợ cho các ngành thiết yếu.
Lĩnh vực khác có mặt hàng, đơn hàng xuất khẩu, hoặc có đóng góp cao cho ngân sách, và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Giai đoạn 1 từ nay đến cuối năm 2021 sẽ áp dụng với các lĩnh vực trên. Giai đoạn 2 từ ngày 1-1-2022 trở đi, tùy tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, TP sẽ cho áp dụng thực hiện cho các lĩnh vực khác còn lại ngoài các lĩnh vực trong giai đoạn 1. Đồng thời, có những phương án sản xuất phù hợp hơn nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
6 điều kiện chung để tổ chức hoạt động
Cũng theo hướng dẫn của Sở Công thương TP Cần Thơ, 6 điều kiện chung để tổ chức hoạt động. Cụ thể:
DN đã thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia tại Quyết định số 2194, kết quả đánh giá xếp loại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở mức nguy cơ thấp trở xuống (<30%). DN đăng ký và thực hiện đánh giá trên website: https://cantho.atalink.com
DN xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 tại DN, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Có bố trí khu vực cách ly tạm thời đối tượng nghi nhiễm và đối tượng tiếp xúc gần với đối tượng nghi nhiễm (phòng cách ly tạm thời cho F0, F1).
Khi phát hiện ca nghi nhiễm, DN tạm dừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (F0, F1) mà không cần phải dừng toàn bộ nhà máy, cơ sở sản xuất. Đồng thời, thông báo cơ quan y tế, và cơ quan có chức năng hướng dẫn xử lý.
Tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Ứng dụng công nghệ, giải pháp phòng chống COVID-19 trong tình hình mới để kiểm soát người lao động, khai báo y tế hàng ngày (khai báo điện tử hoặc khai báo giấy) để quản lý và theo dõi sức khỏe.
Công nhân chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH South Vina, KCN Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Ảnh: TH
Ngoài các điều kiện chung nêu trên thì còn các điều kiện an toàn để sản xuất theo các phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”, “2 tại chỗ - vùng xanh”.
Theo đó, DN sử dụng tối đa không quá 70% lao động, riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ bản thì được phép mở lại hoạt động đến 100% lao động. Xây dựng phương án phù hợp và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Ngoài ra, còn các tiêu chí khác về nơi ở, vận chuyển, xét nghiệm…
Người lao động không thuộc diện cách ly y tế, khu vực tỏa và có kết quả xét nghiệm âm tính, ưu tiên lựa chọn người lao động được xác nhận điều trị khỏi SARS-CoV-2, hoặc được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, và một số điều kiện khác tùy theo mỗi phương án.
Cạnh đó, hướng dẫn của Sở còn nêu về điều kiện, tiêu chuẩn nơi ở tập trung cho người lao động tại doanh nghiệp; Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký hoạt động lại.
Toàn TP Cần Thơ hiện còn 133/1.090 DN hoạt động Toàn TP Cần Thơ hiện đang theo dõi 1.090 DN. Trong đó, số DN đã tạm dừng là 957, tương đương 87,8%, số còn hoạt động là 133/1.090 (tương đương 12,2%) Tổng số lao động hiện có là 70.034, đến nay đã nghỉ 61.242 người, chiếm tỉ lệ 87,45%. Số còn lại sản xuất “3 tại chỗ” trong các DN là 8.792/70.034, chiếm 12,55% lao động. Cụ thể, đối với các DN trong Khu công nghiệp, đến nay còn 31/170 DN đang hoạt động, chiếm tỉ 18,24% với tổng số lao động là 4.546/40.526 lao động, chiếm 11,22%. 139 DN tạm dừng với số lao động tương ứng là 35.980 người. Đối với các DN ngoài khu công nghiệp, hiện có 102/920 DN đang hoạt động, chiếm 11,09%, với tổng số lao động là 4.246 người, chiếm 14,39%. |