6 nội dung cơ bản của phúc lợi xã hội toàn dân

(PLO)- Phúc lợi xã hội toàn dân là khái niệm hoàn toàn mới, lần đầu tiên được mô tả trong nghị quyết của BCH Trung ương về chính sách xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Văn bản được chuyển về các tỉnh, thành ủy, cấp ủy trực thuộc Trung ương hôm qua, 29-11, để phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân.

Đây là một trong những nghị quyết được BCH Trung ương thông qua tại Hội nghị Trung ương 8, hồi tháng 10.

6 nội dung cơ bản của phúc lợi xã hội toàn dân
Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân là một giải pháp để thực hiện phúc lợi xã hội toàn dân.

Khái niệm mới

Nghị quyết 42 là kết quả của quá trình tổng kết sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, để trên cơ sở đó đưa ra một số chủ trương, chính sách lớn, với chỉ tiêu cụ thể cho năm 2030 – thời điểm 100 năm ngày thành lập Đảng CSVN, và có tính đến tầm nhìn 2045 – 100 năm lập nước Việt Nam mới.

Với yêu cầu như vậy, Nghị quyết 42 lần đầu tiên đưa ra một số khái niệm mới, trong đó có khái niệm “phúc lợi xã hội toàn dân”. Và nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng được coi là một trong chín nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tới.

BCH Trung ương xác định phúc lợi xã hội toàn dân gồm sáu thành tố: Giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, nhà ở, và nước sạch cùng vệ sinh môi trường.

Giáo dục

Với tính chất là một bộ phận của phúc lợi xã hội toàn dân, hệ thống giáo dục quốc dân cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời.

Nhiệm vụ giai đoạn tới là củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; từng bước phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi. Chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang, ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư…

Y tế

Trung ương yêu cầu xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hội nhập, bảo đảm điều kiện tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, hướng tới BHYT toàn dân. Coi trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ em.

Đáng chú ý là phải chú trọng tới khám sức khỏe định kỳ cho Nhân dân, quản lý bệnh mạn tính với người cao tuổi, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tổng quát là nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

Văn hóa

Yêu cầu chung là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản văn hóa dân tộc, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt là nông thôn, vùng sâu, nơi tập trung đông người lao động. Trong nội dung này có đặt ra yêu cầu nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Bộ VHTTDL đang chủ trì.

Thông tin

Thực hiện bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi không chỉ ở khía cạnh của quyền tiếp cận thông tin, mà còn phải bảo vệ người dân, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế được an toàn trên môi trường mạng. Một trong những giải pháp là tăng cường phổ cập dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số.

Nhà ở

Trọng tâm là thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó bảo đảm người dân có chỗ ở thích hợp, chất lượng và an toàn. Để nhà ở là một giá trị phúc lợi xã hội toàn dân thì cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội; phát triển đa dạng các loại hình nhà ở…

Nước sạch, vệ sinh môi trường

Trung ương yêu cầu phải bảo đảm nhu cầu thiết yếu về nước sạch cho người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bãi ngang, ven biển, hải đảo, nơi hạn hán, xâm mặn…

Về môi trường, cần thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của Nhân dân. Giai đoạn tới phải có giải pháp đủ mạnh để giải quyết triệt để ô nhiễm do nước thải, rác thải, khí thải, nhất là tại các đô thị lớn…

Các chỉ tiêu chủ yếu đến 2030

Bên cạnh các định hướng lớn, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về chính sách xã hội có đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, trong đó tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3% (khu vực thành thị dưới 4%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35-40%.

Đáng chú ý, yêu cầu về độ phủ lưới an sinh được đưa ra rất cao, với mục tiêu 60% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và 45% tham gia BH thất nghiệp; 60% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí.

Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%. Nâng tuổi thọ trung bình toàn dân lên khoảng 75 tuổi, với số năm sống khỏe tối thiểu là 68 năm. 95% người dân tham gia BHYT, 95% sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả. 95% dân số được quản lý sức khỏe…

Xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Diện tích nhà ở bình quân đạt 30m2/người; 100% hộ gia đình ở thành thị, 80% ở nông thôn được sử dụng nước sạch; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải; 15% nước thải sinh hoạt được xử lý.

Từ mục tiêu cụ thể 2030 phấn đầu cho tầm nhìn 2045 là Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người HDI cao trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm