600 biệt thự tại Hà Nội được đề nghị bán

“Việc sử dụng quỹ nhà biệt thự như hiện nay ở Hà Nội là thiếu hiệu quả. Kết quả khảo sát cho thấy số biệt thự đã cải tạo, sửa chữa bị biến dạng, làm hỏng tính đặc thù tốt đẹp của biệt thự chiếm đến 80%, số biệt thự còn nguyên trạng chỉ chiếm tỷ lệ 15%. Nhiều biệt thự do có nhiều hộ ở và quá chật chội nên các tranh chấp, khiếu kiện trong sử dụng nhà ở thường xuyên xảy ra”.

Ông Vũ Mạnh Cường, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐ,S phát biểu như trên tại buổi tọa đàm Bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức vào ngày 12-9.

Tiền cho thuê không đủ để sửa chữa

TP Hà Nội hiện có gần 1.000 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, phần lớn mang kiến trúc kiểu Pháp, một số được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông. Hầu hết các biệt thự được xây dựng trước năm 1954 do các chủ tư nhân hay chính quyền của chế độ cũ xây dựng.

Các biệt thự này là tài sản có giá trị lớn về kinh tế-xã hội vì mỗi biệt thự có dáng vẻ kiến trúc riêng tạo nên nét đẹp độc đáo. Các biệt thự đều có sân vườn và hầu hết được xây dựng tại vị trí đẹp về cảnh quan, trên các tuyến phố chính, góp phần tô điểm cho diện mạo của đô thị, làm phong phú thêm cảnh quan môi trường.

“Rõ ràng những biệt thự được xây dựng vào thời Pháp ở Hà Nội đáng được ghi nhận như một bộ phận có giá trị trong quỹ di sản kiến trúc Hà Nội ở thời cận đại” - PGS-KTS Trần Hùng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, hiện quỹ nhà biệt thự này đang được bố trí với nhiều mục đích sử dụng khác nhau như để ở, làm trụ sở cơ quan... nhưng sử dụng kém hiệu quả. “Mặt khác, tiền cho thuê nhà hiện nay không đủ chi phí cho công tác quản lý, duy tu sửa chữa nhà biệt thự, làm cho quỹ nhà biệt thự ngày một giảm sút về chất lượng” - ông Cường chỉ rõ.

600 biệt thự đề nghị được bán

Theo Sở Xây dựng TP, biệt thự Hà Nội được phân thành hai loại: Không bán và được bán. Hiện Hà Nội có hơn 200 biệt thự thuộc diện không bán. Đó là biệt thự ở khu trung tâm chính trị Ba Đình; biệt thự là nhà công vụ; biệt thự cho các cơ quan, doanh nghiệp thuê làm trụ sở; biệt thự có đan xen sử dụng giữa trụ sở cơ quan với các hộ dân, trường hợp này thì di chuyển các hộ dân để làm trụ sở cơ quan.

Biệt thự trên phố Phan Đình Phùng.

Hiện TP có gần 600 biệt thự được đề nghị bán. Việc bán biệt thự phải đảm bảo không chia nát khuôn viên và từng bước dỡ bỏ phần cơi nới, trả lại hình dáng kiến trúc ban đầu.

Sở Xây dựng TP cho rằng: Đối với các biệt thự có giá trị về kiến trúc, cần bảo tồn nguyên trạng về không gian và hình dáng kiến trúc công trình, diện tích đất khuôn viên biệt thự, mật độ xây dựng và số hộ sử dụng. Đối với các loại biệt thự này, ngoài việc quản lý theo các quy định về nhà ở, đất ở cần thực hiện theo quy định về bảo tồn, tôn tạo. Khi bảo tồn, tôn tạo phải giữ nguyên tính chất sử dụng, các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc đối với công trình.

Trường hợp có sự thay đổi cần phải thông qua Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP và phải được UBND TP chấp thuận. Theo nhóm nghiên cứu của Trường đại học Xây dựng thì phương châm bảo tồn biệt thự cần cố gắng giữ cấu trúc gốc đến mức tối đa.

“TP cần có kế hoạch lập hồ sơ ghi nhận giá trị của bộ phận di sản kiến trúc này để từ đó có các giải pháp duy trì, cải tạo thích ứng và nâng cao chất lượng các biệt thự, các khu biệt thự trong diện bảo tồn” - PGS-KTS Trần Hùng nêu ý kiến.

Đối với các biệt thự nằm trên các tuyến phố chính như Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, đường Thanh Niên, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... Theo Sở Xây dựng, cho phép cải tạo, sửa chữa nhưng phải đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới