Ngày 11-10, 63 nông dân xuất sắc (NDXS) đại diện cho 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã có buổi đối thoại cùng với các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước về những rào cản kỹ thuật và thách thức đối với hàng nông sản Việt Nam khi tham gia thị trường tự do thương mại thế giới tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Từ CPTPP đến EVFTA - Cùng nông dân đi chợ thế giới”.
Mở đầu phiên đối thoại, ông Lê Văn Chiến - NDXS TP Đà Nẵng đặt câu hỏi việc châu Âu đã rút thẻ vàng cảnh cáo đối với Việt Nam về khai thác và đánh bắt hải sản trái phép (IUU).
Các nông dân xuất sắc đặt câu hỏi trong phiên đối thoại tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 4. Ảnh: MH
"Bản thân tôi và bà con ngư dân đang rất lo lắng trước các thông tin này. Nếu EU chuyển sang rút thẻ đỏ thì hải sản Việt Nam sẽ không xuất khẩu được vào khối này. Vậy đến nay các cơ quan chức năng đã có biện pháp gì để giải quyết và bản thân những ngư dân chúng tôi sẽ phải làm gì để đáp ứng được các điều kiện của EU", ông Chiến băn khoăn.
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đây là vấn đề được Đảng, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm và vẫn đang nỗ lực triển khai các giải pháp mà EC khuyến cáo để tiến tới việc EC có thể gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam.
Các giải pháp đó bao gồm khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Hiện nay, hệ thống luật pháp đã được thể hiện rất rõ trong Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ đã cụ thể hóa qua tám thông tư, hai nghị định. Hệ thống theo dõi, giám sát, quản lý tàu đánh bắt thuỷ sản vào – ra trên biển đã được triển khai lắp ở tất cả các địa phương và đang được nỗ lực kiểm soát.
"Chính phủ đã giao việc này cho Bộ Quốc phòng thực hiện và thứ Ba tuần tới sẽ họp Ban Chỉ đạo quốc gia về vấn đề này. Về truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt, vừa rồi có một số tàu của nước ta vi phạm ở vùng giáp ranh Malaysia, Thái Lan, tuy nhiên nhìn chung, việc khai thác hải sản ở trên biển tại kinh độ, vĩ độ đó ngư dân ta đã biết cách ứng xử phù hợp hơn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.
Trả lời câu hỏi của NDXS tỉnh Bắc Ninh về rào cản kỹ thuật, kiểm dịch dư lượng thuốc BVTV đối với các loại củ, quả khi xuất khẩu vào EVFTA, CPTPP, ông Nguyễn Quang Hiếu-Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), cho biết một sản phẩm đôi khi đàm phán phải mất 10-15 năm mới mở cửa được thị trường. Trước đây, vì hạn chế thông tin và quên mất việc phải tìm hiểu quy định của thị trường xuất khẩu, dẫn đến không thể xuất khẩu và khai thác được thị trường đó.
Ông Hiếu cho biết về dư lượng và quy định kiểm dịch thực vật để xuất khẩu sang thị trường EU, thông tin này đã được EU công bố rất minh bạch trên cổng thông tin Europa.eu. Về dư lượng hóa chất tồn tại trong mỗi sản phẩm, EU đã có quy định cụ thể với từng loại hoá chất được sử dụng với mỗi sản phẩm.
Về kiểm dịch thực vật, EU có một bộ quy chuẩn đầy đủ và chi tiết nằm trong chỉ số 29/2000/EC ngày. Từ 1-9-2019, họ có chỉ số 523 để bổ sung thêm các yêu cầu cụ thể. Sắp tới họ cũng sẽ áp dụng thêm một bộ tiêu chuẩn mới.
"EU là một thị trường mà người tiêu dùng có ý thức rất cao về an toàn thực phẩm, đặc biệt KHCN rất phát triển. Hàng năm, EU đều có sáng kiến, công nghệ mới nhằm phát hiện dư lượng hoá chất ở mức thấp hơn", ông Hiếu nói.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác về chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ sơ chế, chế biến; cách liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng sản phẩm phục vụ giết mổ thịt theo chuỗi... của các NDXS đã được các chuyên gia, nhà quản lý cùng tháo gỡ, từ đó đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nhằm nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, thay đổi tư duy về phương thức làm ăn và nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp để nông dân Việt Nam tự tin, chủ động, tận dụng triệt để những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.