Ông Nguyễn Ngọc Tâm (46 tuổi, ngụ huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang khiếu nại TAND tỉnh Phú Yên vì gần một năm vẫn chưa xử phúc thẩm vụ án mà ông là người bị hại.
Thiếu thẩm phán để xử phúc thẩm
Ông Tâm là nạn nhân bị thương tật đến 91% trong vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Tuy An (Phú Yên) ngày 23-1-2011.
Gần đây nhất, ngày 14-4-2017, TAND huyện Tuy An đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần ba, tuyên buộc hai bị đơn dân sự (hai chủ xe khách trong vụ tai nạn giao thông) phải bồi thường cho ông Tâm các khoản thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm tổng cộng hơn 407 triệu đồng. Ngoài ra, hai bị đơn dân sự phải bồi thường do mất thu nhập mỗi tháng 4 triệu đồng, tiền công người nuôi dưỡng mỗi tháng 3 triệu đồng kể từ ngày 12-12-2014 cho đến khi ông Tâm chết.
Theo ông Nguyễn Quang Hiển (Trưởng phòng Thực hành quyền công tố - kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự VKSND tỉnh Phú Yên), bản án sơ thẩm trên bị các bị cáo, bị đơn dân sự kháng cáo. “Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, VKSND tỉnh đã chuyển cho TAND tỉnh nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được xét xử phúc thẩm” - ông Hiển thông tin.
Một lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Yên cho biết thêm VKSND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị TAND tỉnh đưa vụ án ra xử phúc thẩm vì vi phạm thời hạn.
Hơn bảy năm qua, ông Tâm phải nằm liệt một chỗ, bệnh tình ngày càng nặng nhưng không có tiền chữa trị. Ảnh: T.LỘC
Trao đổi với PV, lãnh đạo Tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên thừa nhận vụ án trên chậm xét xử phúc thẩm theo quy định. Theo vị này, tòa đã nhiều lần xếp lịch xét xử nhưng phải hoãn. Tuy nhiên, vị này không nêu lý do cụ thể vì sao hoãn xử nhiều lần mà chỉ nói vụ án đã chuyển cho thẩm phán khác giải quyết.
Trong khi đó, một thẩm phán TAND tỉnh Phú Yên giải thích nguyên nhân chính khiến vụ án chưa đưa ra xét xử phúc thẩm là do thiếu thẩm phán. “Thời gian qua, TAND tỉnh Phú Yên có nhiều biến động về nhân sự. Vụ án này từng hai lần bị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy án phúc thẩm nên sáu thẩm phán tham gia xét xử phúc thẩm trước đây nay không thể tiếp tục xử nữa. Trong khi đó, tòa lại thiếu thẩm phán” - vị thẩm phán này lý giải.
PV đã liên lạc ông Nguyễn Phi Đô (Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên) để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân án bị kéo dài nhưng ông Đô chỉ nói: “Sẽ cho kiểm tra lại”.
Một bị đơn dân sự tẩu tán tài sản Theo Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Hoài Nhơn, khi bản án phúc thẩm lần hai có hiệu lực, Chi cục THA dân sự huyện Tuy An đã làm thủ tục ủy thác cho Chi cục THA dân sự huyện Hoài Nhơn tổ chức THA đối với bị đơn dân sự Trần Thanh (một trong hai chủ xe khách). Tuy nhiên, khi xác minh điều kiện THA, Chi cục THA dân sự huyện Hoài Nhơn phát hiện ông Thanh tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ THA bằng cách làm thủ tục tặng cho toàn bộ tài sản, nhà cửa, đất đai cho hai con gái. Các hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng tài sản của ông Thanh được giao kết sau khi bản án đã có hiệu lực. “Thời điểm đó, Chi cục THA dân sự huyện Hoài Nhơn đang chuẩn bị kê biên để THA thì có quyết định giám đốc thẩm nên phải dừng lại” - lãnh đạo Chi cục THA dân sự huyện Hoài Nhơn cho hay. |
Nạn nhân kiệt sức chờ bồi thường
Hơn bảy năm qua, ông Nguyễn Ngọc Tâm phải ngồi trên xe lăn hoặc nằm liệt một chỗ do cột sống bị gãy, phần lớn thần kinh bị liệt từ vụ tai nạn. Hằng ngày mọi sinh hoạt của ông đều phải có người trợ giúp. Hiện nay nhiều chỗ trên cơ thể ông ngày càng bị lở loét, hoại tử do không có tiền chữa trị.
Bà Đỗ Thị Duyên (vợ ông Tâm) nghẹn ngào cho biết để lấy tiền chữa trị vết thương cho chồng, bà đã bán tất cả vật dụng của gia đình có thể bán được. Ngôi nhà cấp bốn cũng bị cầm cố nhiều năm nay, không có tiền chuộc lại. Cảm thương gia cảnh, người đưa tiền cầm nhà chưa lấy nhà mà cho ông bà cùng hai con được tiếp tục ở.
Từ ngày chồng gặp nạn, bà Duyên phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc ông Tâm nên hơn bảy năm nay gia đình không có nguồn thu nhập nào ngoài khoản trợ cấp vài trăm ngàn đồng mỗi tháng của Nhà nước đối với người tàn tật. “Tất cả nơi có thể mượn tiền gia đình đều đã mượn để lấy tiền mua thuốc chữa trị cho anh ấy. May là bà con thương tình nên chưa đòi. Đến nay không còn nơi nào để có thể mượn tạm nữa. Xin vay cũng không nơi nào cho vì gia đình tôi là hộ nghèo đặc biệt khó khăn, không có gì để thế chấp” - bà Duyên nói trong nước mắt.
Mấy năm nay ông bà, con cái sống nhờ vào sự trợ giúp, san sẻ của anh em, bà con, hàng xóm. Người thì mỗi tháng cho vài ký gạo, người giúp vài trăm ngàn đồng. Thỉnh thoảng bà con, hàng xóm đến cho cái áo, cái quần, vài vật dụng lặt vặt...
Ông Tâm kể từ khi xảy ra vụ tông xe, các chủ xe khách gây tai nạn không một lần thăm hỏi nạn nhân sống chết thế nào. Gia đình ông nhiều lần liên lạc hai chủ xe khách đề nghị ứng tiền bồi thường để chữa trị thương tật cho nạn nhân nhưng người thì nói không có lỗi nên không bồi thường, người thì bảo chờ tòa xử xong mới tính.
“Họ cố tình bỏ mặc người bị nạn. Họ là những chủ hãng xe giàu có, ngày càng mở rộng kinh doanh nhưng tôi đề nghị ứng vài chục triệu đồng mua thuốc họ cũng từ chối. Trong khi đó, vụ án thì kéo dài như vậy, làm sao tôi chịu nổi! Tôi nghĩ mình cũng không sống được lâu nữa vì đã quá kiệt sức! Chắc đến khi tòa xử xong tôi đã chết rồi!” - ông Tâm uất nghẹn!
Tóm tắt vụ án Theo hồ sơ, sáng 23-1-2011, ông Phạm Văn Ka (40 tuổi, ngụ xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) lái xe khách biển số 77H-5379 lưu thông theo hướng Bắc-Nam trên quốc lộ 1 đoạn qua xã An Cư, huyện Tuy An. Cùng thời điểm, ông Nguyễn Huy Dũng (53 tuổi, ngụ xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, Bình Định) lái xe khách biển số 53S-3167 lưu thông theo chiều ngược lại. Ông Ka chạy xe không đúng phần đường quy định, ông Dũng cũng vượt xe đầu kéo và lấn trái nên hai xe tông vào nhau làm ông Nguyễn Ngọc Tâm (phụ xe 53S-3167) và một số người khác bị thương. Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên kết luận ông Tâm bị thương tật 91%, một người khác bị thương nhẹ... Lúc đầu cơ quan điều tra và VKSND huyện Tuy An chỉ xử lý một mình ông Ka tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Từ đó đã có bốn phiên tòa sơ, phúc thẩm được mở ra. Tháng 1-2016, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xử giám đốc thẩm, hủy hai bản án hình sự sơ, phúc thẩm lần hai để điều tra lại. Sau hơn 10 tháng điều tra lại, cuối năm 2016, VKSND huyện Tuy An truy tố thêm ông Dũng cùng tội danh trên. Tại phiên tòa sơ thẩm (lần ba) hồi tháng 4-2017, TAND huyện Tuy An phạt ông Ka 11 tháng sáu ngày tù (bằng thời hạn bị cáo đã chấp hành hình phạt tù), ông Dũng sáu tháng tù treo. |