Theo hãng tin AP, lãnh đạo các ngân hàng JPMorgan Chase & Co; Bank of America Corp; Citigroup Inc; Goldman Sachs Group Inc; Morgan Stanley; State Street Corp và Bank of New York Mellon Corp lần đầu tiên đối mặt với Ủy ban trên, nhân kỷ niệm 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Hệ thống ngân hàng Mỹ từng phải nhờ đến nỗ lực của các nhà quản lý mới có thể sống sót khỏi cuộc khủng hoảng. Trong nhóm các CEO, mỗi ông Jamie Dimon nắm ngân hàng JPMorgan Chase trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng. Các CEO khác là những người được giao chức ngay sau cuộc khủng hoảng, hoặc vì người tiền nhiệm quyết về hưu hồi năm ngoái.
7 ngân hàng lớn nhất Mỹ còn sống sót nhờ quỹ bảo lãnh từ tiền dân Mỹ đóng thuế. Họ từng nhận tiền từ Chương trình Giải cứu Vốn trị giá 700 tỉ USD, và đã dùng tiền này để nộp phạt vì các hoạt động của họ đã dẫn đến cuộc “vỡ bong bóng” cho vay thế chấp nhà ở trong cuộc khủng hoảng kể trên.
Các CEO 7 ngân hàng đến cuộc điều trần có đem theo những báo cáo cân đối thu chi lành mạnh, ý thức rõ họ có năm lợi nhuận kỷ lục (hồi năm 2018) nhờ đảng Cộng hòa duyệt giảm thuế hồi năm 2017, nên họ sẵn sàng cãi rằng Thị trường Phố Wall đã thay đổi những hoạt động từng gây ra cuộc khủng hoảng, và nhấn mạnh những đóng góp của ngành ngân hàng cho nền kinh tế Mỹ.
Các CEO giải trình rằng họ đã thực hiện các bước cải thiện sự ổn định của ngân hàng mình, như nâng vốn, đa dạng hóa, chấm dứt một số hoạt động. Ông Dimon nói những cải thiện sau khủng hoảng đã khiến các ngân hàng an toàn hơn, có ý nghĩa hơn về 3 mảng quan trọng: vốn, thanh khoản và giải pháp, khả năng phục hồi.
Vài tuần gần đây, các ngân hàng lớn đã nỗ lực vận động hành lang, đề cao chuyện họ nâng mức lương tối thiểu cho nhân viên, hoặc rút khỏi mảng dịch vụ lập nhà tù tư nhân. Các nỗ lực này được các nghị sĩ khen, nhưng họ vẫn “nhắc nhở” vai trò của ngân hàng là khắc phục cách biệt giàu nghèo và sự đa dạng của công ty.
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng lớn nhất Mỹ đã bơm hơn 800 tỉ USD tiền vốn để phục hồi hệ thống tài chính.
Vài tháng trước cuộc điều trần, các ngân hàng cũng tuyên bố các cách giúp khách hàng và cộng đồng. Ngày 9-4, Bank of America cho biết ngân hàng sẽ tăng lương tối thiểu từ 15 lên 20 USD/giờ trong hai năm cho hơn 200.000 nhân viên của công ty.
JPMorgan Chase nói công ty đã hiện trả cho nhân viên mức lương từ 15 đến 18 USD/giờ. Hồi tháng 3, JP Morgan Chase nói sẽ không tài trợ cho ngành nhà tù tư nhân, và sẽ đầu tư 350 triệu USD vào các chương trình dạy nghề.
Goldman Sachs đã công bố các mục tiêu thuê nhân viên nữ và người của các cộng đồng thiểu số, và cuối năm ngoái, Citi cũng công bố mục tiêu này.
Nhưng các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ trong Ủy ban chỉ chú ý đến khả năng bảo vệ hệ thống tài chính của các ngân hàng và tránh nguy cơ phải bảo lãnh các ngân hàng trong tương lai. Nhiều câu hỏi dồn vào việc các ngân hàng làm ăn với ai, tìm các câu trả lời về chuyện tài trợ cho các nhà sản xuất súng và nhiên liệu hóa thạch.
CEO Dimon của JP Morgan Chase bị các nghị sĩ ép phải thực hiện chính sách giảm tài trợ cho các nhà sản xuất súng. Năm 2018, Citi và Bank of America nói không còn cung cấp một số dịch vụ ngân hàng cho các nhà sản xuất súng.
Các CEO ngân hàng Mỹ thề nói sự thật tại cuộc điều trần - Ảnh: AP
Các nghị sĩ Dân chủ trong hoan nghênh, nhưng các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích các chính sách này, cảnh báo các ngân hàng chớ nên rút tiền từ hoạt động kinh doanh hợp pháp, cáo buộc Bank of America từ chối quyền sở hữu súng của công dân Mỹ (quyền này trong Hiến pháp Mỹ có ghi).
Hạ nghị sĩ Maxine Waters (đảng Dân chủ) là chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, hỏi 3 lãnh đạo ngân hàng rằng họ có phát hiện các ngân hàng của họ có hoạt động đáng ngờ liên quan các tài khoản Nga hay không.
CEO Michael Corbat của Citi từ chối trả lời, với lý do cuộc điều tra vấn đề này đang tiếp tục. Lãnh đạo Bank of America và Morgan Stanley cho biết đã điều tra nội bộ, không phát hiện hoạt động đáng ngờ.
Sau cuộc điều trần kéo dài 7 giờ, bà Waters nói sẽ lại triệu tập các CEO ra điều trần trong năm tới.