Trao đổi với hãng tin tài chính CNBC, bà Lagarde chỉ ra sự thay đổi trong mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại để làm bằng chứng, rằng các sáng tạo như tiền mã hóa rõ ràng tác động mạnh đến lĩnh vực tài chính.
Bà Lagarde nói rằng dù gọi đó là tiền điện tử, tài sản, tiền tệ hay bất cứ thứ gì ... nhưng rõ ràng nó đang làm rung chuyển hệ thống ngân hàng.
Vị lãnh đạo IMF cảnh báo ngành tài chính phải có những quy định giám sát đi kèm: “Chúng ta không muốn sự sáng tạo gây rung lắc hệ thống quá mạnh khiến có thể mất sự ổn định cần thiết.”
Theo CNBC, hiện các công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ lớn đang xem mảng tài chính như một thị trường trị giá hàng ngàn tỉ USD dễ bị sụp đổ. Có thông tin Facebook đang phát triển tiền mã hóa riêng. Tháng 3, Apple đã tung ra loại thẻ tín dụng riêng với đối tác là ngân hàng Goldman Sachs.
Các ngân hàng đã phản ứng bằng những nỗ lực riêng để đón nhận công nghệ mới. Ngân hàng JPMorgan đang thử nghiệm một loại tiền kỹ thuật số có tên “Đồng cắc JPM Coin” nhằm có thể thực hiện ngay giao dịch giữa khách hàng. Ngân hàng Goldman Sachs cũng đang mở rộng hệ thống ngân hàng bán lẻ kỹ thuật số có tên Marcus ở nước ngoài.
Bà Lagarde còn nhận định các công ty công nghệ đang “mạnh mẽ nhảy vào không gian ngân hàng” phải là đối tượng bị giám sát: “Họ sẽ phải chịu trách nhiệm, để họ có thể thật sự được tín nhiệm”.
Các bình luận của bà Lagarde tiếp sau một cuộc họp của IMF, qua đó xem xét việc tiền tệ và thanh toán ở toàn thế giới đang thay đổi thế nào. Bà từng khuyến khích các ngân hàng trung ương kiểm tra mảng tiền mã hóa, nhằm hiểu rõ những thay đổi của lĩnh vực tài chính.
Nhiều loại tiền ảo như bitcoin đang “phi tập trung”, có nghĩa một chính quyền trung ương không thể kiểm soát các loại tiền này, theo CNBC.