8-3 đặc biệt của các cô giáo tiểu học ở TP.HCM

Những ngày này, số ca nhiễm COVID-19 ở TP.HCM đều trên 2.000 ca/ngày; việc học của con trẻ, nhất là khối mầm non, tiểu học đều trồi sụt, luôn trong tình trạng nay trực tiếp, mai trực tuyến… Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 của các cô cũng trồi sụt theo các F0.

Túc trực với F0, tinh thần khẩn

Ngày 7-3, toàn bộ học sinh (HS), giáo viên (GV) Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) trở lại học trực tiếp sau nhiều lần trồi sụt “on - off”. Tuy nhiên, không ít lớp vẫn có các ca nhiễm là HS nên từ sáng sớm nhiều phụ huynh đưa con đến trường nhưng ngay sau đó được thông báo đón con về vì con là F1 trực tiếp với bạn F0 trong lớp.

Đưa con đến trường, GV gọi điện thoại kêu đón về là tình cảnh suốt hai, ba tuần nay của phụ huynh khối tiểu học ở TP.HCM. Phụ huynh khổ một thì GV khổ với các HS nhiều hơn, nhất là các cô còn là F0, như trường hợp của cô Nguyễn Thị Vinh, GV chủ nhiệm lớp 2/9 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).

Sau khi các HS đi học trực tiếp bán trú được ba ngày thì cô dương tính với SARS-CoV-2. Trong tình trạng F0, cô chuyển ngay lớp sang học trực tuyến, điều phối họp phụ huynh trực tuyến gấp cũng như chuẩn bị cho việc ôn tập thi học kỳ 1 của các HS. Và khi cô đã âm tính trở lại để đi dạy trực tiếp thì lớp vẫn có bốn HS F0, F1 nên cô Vinh lại phải tiếp tục vừa dạy trực tiếp vừa kết nối với máy tính cho các HS học trực tuyến tại nhà.

Cô Văn Thị Ẩn Ngọc Điệp và học sinh lớp 3D Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo. Ảnh: FB nhân vật 

Học sinh nào cũng chờ gặp cô trực tiếp

Ngày 8-3 năm nay của cô Văn Thị Ẩn Ngọc Điệp, GV chủ nhiệm lớp 3D Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo (quận 3), cũng vô cùng đặc biệt khi cô đang là F0, phải dạy ở nhà còn HS thì học trực tuyến.

“Tôi may mắn vì F0 mà không mệt nhiều nên vẫn đảm bảo giờ dạy trực tuyến cho các con. Tôi đã âm tính ngày 7-3, đang chờ quyết định của trường về việc cho phép dạy trực tiếp. Các con thích học trực tiếp hơn nhiều vì gặp bạn bè, cô thì dễ truyền tải nội dung hơn… Nên các con ngày nào cũng mong cô khỏe để được học ở trường. Chứ cho đến giờ, dù dạy trực tuyến suốt học kỳ 1 nhưng các chương trình dạy trực tuyến không nhiều chức năng để dễ dàng hướng dẫn các con; các con chỉ chủ yếu nghe cô nói, trò nghe trả lời; chưa kể đến đang nói thì các con lại rớt mạng, thời gian dạy kéo dài, mệt các con, cô cũng mệt…” - cô Điệp chia sẻ.

Cô Điệp đang chờ có thể lớp cô sẽ được học trực tiếp vào tuần này, “dù trễ nhưng ngày 8-3 tôi cũng sẽ tổ chức cho các con chơi một số trò chơi trắc nghiệm, bốc thăm… cho các con vui nhân ngày 8-3” - cô Điệp nói thêm.

Cũng đang trong tình trạng F0, cô Lê Nguyên Ngọc Diệp, GV chủ nhiệm lớp 5/5 Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính (quận Tân Phú), ngoài việc trường lớp còn gánh nguyên gia đình F0. Sau buổi dạy vào ngày 3-3, cô Diệp phát hiện mình dương tính. Cô sống cùng cha mẹ và hai con nên cả nhà gần hết là F0.

“Nhà chỉ còn ông ngoại của mấy cháu tới giờ chưa kiểm tra và chưa có biểu hiện gì. Ngay sau khi tôi nhiễm thì con gái tôi 4,5 tuổi nhiễm, tiếp theo là mẹ tôi và gần nhất, sáng 7-3 là con trai lớp 8 của tôi nhiễm. Dù triệu chứng sốt, nghẹt mũi, đau đầu, viêm họng… nhưng tôi vẫn dạy các con. Bởi các con năm cuối, không dạy thì các con không thể kịp chương trình. Ngay bản thân tôi thấy dạy trực tuyến không hiệu quả như trực tiếp nhưng chẳng đặng đừng phải dạy. Dạy trong điều kiện sức khỏe không có, có nhiều thứ cản trở thì tôi vẫn tìm những cách thức thú vị để dạy các con. Thật sự cuối cấp học, tôi rất thương các con một năm học không thật sự hiệu quả. Điều này không chỉ ảnh hưởng việc học mà còn chính tâm lý các con, nhất là nhiều bạn F0 phải gián đoạn việc học…” - cô Diệp nói thêm.

Hầu hết trong những chia sẻ, các cô đều không nghĩ đến ngày 8-3 mà chỉ mong dịch sớm ổn để các cô và HS được học như bình thường. Để các HS được học hành, vui chơi trực tiếp tại trường với những niềm hứng thú chứ không phải đến trường mấy hôm lại ở nhà nghe lời cô qua màn hình máy tính…

Ước mong những hỗ trợ từ Nhà nước cho đội ngũ bảo mẫu, vệ sinh

Cái khó nhất của khối mầm non chính là phụ huynh đi làm không có ai trông coi các con; còn ở trường nếu các con không đi học, các cô vẫn đến trường thực hiện các công việc khác và chuẩn bị lớp cho các con. Các con ở nhà chủ yếu với người nhà, ông bà… các cô cũng cố gắng thay đổi việc chỉ dẫn các con từ rửa tay, vệ sinh… bằng những clip để phụ huynh cho các con làm theo nhưng rất ít phụ huynh có thời gian theo sát để thực hiện cùng con.

Cái mà các GV mầm non mong ước nhất là làm sao để nếu dịch vẫn kéo dài thì các cô vệ sinh, bảo mẫu… của hệ thống trường mầm non, nhà trẻ được hỗ trợ tài chính. Như tôi làm GV thì có lương Nhà nước, còn lương của các cô bảo mẫu việc gồng gánh của trường cũng có giới hạn. Hiện GV chúng tôi trích hằng tháng 5% lương để cùng nhà trường hỗ trợ nhân viên, bảo mẫu... Thật sự rất thương.

 PHẠM THỊ DIỄM THƯƠNGGV khối mầm
Trường Mầm non 19-5 Thành phố (quận 1)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm