Tỏi, hành tím ngâm với mật ong chữa ho rất hiệu quả. Hình minh họa.
Tỏi, hành tím ngâm mật ong
Đây là cách được rất nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả tốt. Nguyên liệu chỉ cần một củ hành tím, một củ tỏi nhỏ (5-6 tép) và mật ong.
Hành tỏi lột vỏ, xắt mỏng. Sau đó cho vào hũ rồi đổ mật ong ngập mặt nguyên liệu. Để ít nhất là 24 tiếng rồi bỏ xác, chắt lấy nước uống 2-3 lần mỗi ngày. Mỗi lần một muỗng cà phê.
Nếu không, bạn cũng có thể dùng tỏi ta, lột sạch vỏ, rồi đổ mật ong loại tốt xăm xắp mặt nguyên liệu. Đậy hũ kín, để chừng một tháng là lấy ra dùng được. Mỗi lần uống một muỗng cà phê, ngày hai lần.
Lê và củ cải
Nguyên liệu gồm 1 kg trái lê tươi, 1 kg củ cải trắng, 250 g mật ong loại tốt. Lê rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt, củ cải rửa sạch, không bỏ vỏ, xắt miếng. Dùng máy ép củ cải và lê thành nước, đem đun sôi 5 phút rồi bớt lửa, lấy đũa quậy đều đến lúc sệt lại thì cho mật ong vào, đun sôi trở lại chừng 10 phút rồi tắt bếp, để nguội, cho vào lọ kín uống mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần một muỗng cà phê.
Gừng
Gừng vừa là gia vị quen thuộc, vừa là một trong những vị thuốc Đông y khá phổ biến do tinh dầu gừng có tác dụng kháng vi khuẩn, làm loãng niêm dịch, chóng viêm, giảm đau. Gừng được dùng để chữa được nhiều bệnh như cảm mạo, đầy hơi, mất tiếng, nôn mửa, đau bụng...
Để chữa ho, bạn dùng một củ gừng nướng trên lửa rồi để nguội. Sau đó lột lớp vỏ bên ngoài, xắt từng miếng, ép hoặc giã nhỏ lấy nước hòa cùng mật ong để uống khi còn ấm, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một muỗng cà phê.
Chanh, tắc chưng đường phèn là thuốc trị ho, long đờm rất phù hợp với trẻ em. Hình minh họa.
Chanh, tắc
Chanh, tắc hấp đường phèn, mật ong là phương thuốc trị ho, viêm họng rất hiệu quả, nhất là cho các em bé.
Để trị ho, viêm họng, bạn dùng chanh hoặc tắc rửa sạch, để ráo, xắt lát rồi hấp cách thủy cùng đường phèn, mật ong cho tới khi thấy đường phèn tan hết là được. Nếu bị dị ứng với mật ong, bạn có thể chỉ hấp với đường phèn là đủ.
Ngoài ra, chanh, tắc ngâm đường phèn, mật ong hoặc ngâm muối lấy nước uống cũng vừa là phương thuốc phòng trị ho, viêm họng, vừa là thứ đồ uống giải nhiệt, đẹp da, tốt cho tiêu hóa.
Lá tần dày
Lá tần dày (nó nơi còn gọi là rau tần, rau thơm lùn, tần lông, dương tử ô) có chứa rất nhiều colein và tinh dầu, tác dụng trị cảm cúm, ho, viêm phế quản, tiêu đờm, kháng khuẩn.
Để chữa ho, bạn dùng 3-4 lá tần dày bánh tẻ (không quá non cũng không quá già), rửa sạch, xắt nhỏ, hấp cách thủy với đường phèn. Lấy nước uống ngày 3-4 lần, lần một muỗng cà phê.
Nếu bạn bị đau họng, khan tiếng. Dùng cả lá và thân cây tần dày rửa sạch, để ráo, xay hoặc giã nát với vài hạt muối hột và lọc lấy nước uống ngày hai lần.
Hẹ
Theo Đông y, hẹn có tính ấm, vị cay, hơi chua, không độc, trị được nhiều chứng bệnh như ho, tiêu hóa kém, đi tiểu nhiều lần, viêm tai giữa, viêm lợi…
Để trị ho, viêm họng, lá hẹ có thể được dùng theo hai cách đơn giản như sau: Trước hết là lá hẹ hấp cách thủy với mật ong lấy nước uống sẽ giảm đờm, giúp họng thông thoáng. Cách thứ hai là lá hẹ giã nát, hấp với đường phèn chừng 15 phút, lấy nước uống 2-3 lần mỗi ngày. Những cách này đều rất thích hợp cho trẻ em.
Siro làm từ đường và củ hành tây giúp long đờm, đau họng. Hình minh họa
Hành tây
Hành tây lột vỏ, cắt thành miếng nhỏ, sau đó cho vào hũ rồi phủ lên trên một lớp đường dày bằng lớp hành tây.
Tiếp đó, dùng đũa hoặc chày nhỏ giã hỗn hợp trong hũ cho nhuyễn, quện vào nhau rồi đậy nắp hũ lại, để qua đêm cho hành và đường tiết hết nước ra thành dạng siro đặc quánh dùng để trị ho, long đờm cực kỳ hiệu quả. Loại siro này chống chỉ định cho những người bị trào ngược dạ dày.
Dấp cá
Khi ho khan, chưa có đàm, bạn dùng lá dấp cá rửa sạch, để ráo nấu nước cùng với nước gạo cũng giúp bạn bớt ho rất nhiều. Nước gạo để lắng, đun sôi, rồi cho lá dấp cá vào đun sôi lại, tắt lửa để nguội uống ngày 3-4 lần, lần một muỗng canh.