8 công dân Tây Ninh gánh nỗi oan 40 năm

Sáng 4-4, VKSND tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra cho bảy công dân đã 40 năm mang thân phận bị can, trong đó có hơn 45 tháng bị giam oan. Trước đó, năm 2018, một người bị oan đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra và sau đó được tòa tuyên bồi thường 615 triệu đồng.

Tờ quyết định ố màu sau 40 năm

Tám người được xác định bị oan là các ông bà Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”), Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”), Nguyễn Thành Nghị, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Lan.

Vụ án cướp tài sản riêng của công dân được khởi tố từ ngày 27-7-1979. Họ bị khởi tố, truy tố tội cướp tài sản riêng của công dân theo Điều 6 Sắc luật 03 ngày 15-3-1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau đó, ngày 11-5-1983, ông Trịnh Quốc Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, đã ký quyết định đình chỉ điều tra tất cả tám bị can này. Vậy mà 36 năm nay, dù những người bị oan nhiều lần đề nghị cung cấp nhưng VKS lần lữa thoái thác trách nhiệm.

Mãi đến hôm qua, 4-4-2019, ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng 8 VKSND tỉnh Tây Ninh, đại diện cho cơ quan này mới chủ trì buổi làm việc và trao quyết định đình chỉ điều tra. Ông Danh cho biết ông và VKSND tỉnh Tây Ninh làm theo chỉ đạo của cấp trên. Những thắc mắc, yêu cầu về các vấn đề liên quan trách nhiệm làm oan, việc bồi thường oan và lý do chậm trễ trao quyết định đình chỉ… sẽ được giải đáp trong những buổi làm việc sau.

Sau 40 năm bị khởi tố oan, đến nay các công dân Tây Ninh mới nhận quyết định đình chỉ. Ảnh: DUY SƠN

Đêm kinh hoàng của 40 năm trước

Theo hồ sơ khoảng 11 giờ đêm 26-7-1979, một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt ngay một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt bốn người đàn ông nữa bị bắt rồi bị đưa về công an huyện điều tra.

Cán bộ điều tra đã dùng nhục hình khiến những người đàn ông này phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con cất giấu. Ba người phụ nữ bị bắt tiếp theo sau đó cũng bị dùng nhục hình nên buộc phải nhận đã cất giấu tài sản cướp được.

Tám cuộc đời đang bình yên bỗng nhiên dậy sóng vì những cáo buộc vu vơ và những tháng ngày oan khiên tù tội. Cả một đại gia đình tan tác. Nhiều lần công an dẫn đi lấy tang vật nhưng không có mà chỉ có năm chỉ vàng. Công an buộc người nhà họ đem nộp để bảo lãnh người thân về.

Quyết định đình chỉ điều tra ghi: Xét đủ bằng chứng chứng minh các bị can không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân. “Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình bắt họ nhận, chớ họ không phạm tội này” - quyết định đình chỉ nêu rõ.

Cụ bà Võ Thị Thương, 94 tuổi, từ Bình Dương đến VKSND tỉnh Tây Ninh nhận quyết định đình chỉ điều tra được ký từ 36 năm trước. Ảnh: DUY SƠN

Người đầu tiên nhận quyết định đình chỉ

Năm 1979, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đang là bộ đội đóng quân tại chiến trường Campuchia. Ngày 25-7-1979, ông Dũng được đơn vị cử về Việt Nam lấy tài liệu tập huấn và nhân dịp về thăm gia đình.

Đêm 26-7-1979, bỗng nhiên ông Dũng bị công an xã bắt giải lên Công an huyện Trảng Bàng với lý do cướp tài sản riêng của công dân rồi bị tạm giam luôn. Trong suốt thời gian bị giam, ông Dũng một mực kêu oan. Sau hơn 45 tháng bị tạm giam, ông Dũng được thả nhưng những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho ông.

Sau đó ông Dũng quay lại Campuchia xin được tiếp tục làm nhiệm vụ nhưng ông bị từ chối tiếp nhận vì lý do chưa có quyết định nào minh định ông không phạm tội. Đến năm 2000, ông Dũng mới được giải quyết thủ tục xuất ngũ. Từ đây, ông Dũng tiếp tục cuộc hành trình khiếu nại, kêu oan.

Đến tháng 1-2018, ông Dũng là người đầu tiên trong tám bị can nhận được quyết định đình chỉ điều tra. Tháng 11-2018, TAND tỉnh Tây Ninh đã y án sơ thẩm, buộc VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường oan cho ông Dũng 615 triệu đồng.

Đến chết vẫn chưa được minh oan

Cụ bà Võ Thị Thương, 94 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong vụ án oan 40 năm này. Chiều 3-4, con trai cụ là ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”, cũng là người bị oan trong vụ án này) chạy về nhà báo tin mừng cho mẹ. Ông Dũng cho mẹ biết mình có thư mời của VKSND tỉnh Tây Ninh, xã mới kêu ra lấy.

Rồi để mẹ mình không phải thắc thỏm, ông Dũng chạy vội ra trụ sở UBND xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương để nhận tờ giấy mời của VKS tỉnh. Tấm giấy khổ A4 với vài dòng chữ ngắn ngủi thông báo về buổi làm việc sẽ diễn ra vào sáng 4-4 nhưng phải 30 phút sau ông mới đọc hết.

4 giờ sáng 4-4, ông Dũng có mặt ở nhà mẹ, thắp nén nhang lên bàn thờ và đặt tấm giấy mời trước di ảnh cha là ông Nguyễn Thành Nghị - cũng là một trong tám bị oan. Khấn cha xong, ông tự trách mình ngày ấy đã vì kinh sợ trước đòn tra tấn mà khai theo ý cán bộ để cả cha và mẹ phải chịu cảnh tù oan.

Năm 2013, cha ông Dũng qua đời mà tiếng oan cướp tài sản vẫn chưa được gột rửa. Còn mẹ ông, tuy chân đứng không vững, đi lại phải có người dìu nhưng hôm qua vẫn một mực theo xe từ Bình Dương đi Tây Ninh để “nhận xong giấy giải oan, qua bên kia thế giới gặp và nói cho ba bây biết để ổng yên lòng”.

Vậy là hôm qua, 4-4, sau 40 năm bị hàm oan, cụ bà gần đất xa trời mới nhận được tờ giấy đình chỉ điều tra nói rõ bà và người chồng quá cố cùng đứa con trai (và năm người khác) hoàn toàn trong sạch.

Tan đàn xẻ nghé vì bị vu oan giá họa

Năm 1983, sau hơn 45 tháng vô cớ bị tạm giam oan uổng, cả tám công dân ở Tây Ninh trong vụ án nói trên được trả tự do. Tuy nhiên, mặc cảm của bản thân lẫn hoài nghi của xóm giềng đã đẩy họ phiêu bạt xứ khác mưu sinh. Tài sản gắn liền với cuộc sống như nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đành bỏ lại sau lưng.

8 công dân Tây Ninh gánh nỗi oan 40 năm ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và ông Hồ Long Chánh trong ngày nhận quyết định đình chỉ. Ảnh: DUY SƠN

Có cặp đôi phải ngậm ngùi chia tay vì gia đình người vợ nghi ngờ do lời khai của người chồng mà gia đình họ vướng vòng lao lý. Người vợ khi bị bắt sau lời khai của người chồng lúc đó đang có thai năm tháng. Họ là ông bà Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan. Những ngày ở tù, bà Lan luôn nghĩ rằng ông Chánh đã khai bà giấu vàng nên bà mới bị bắt. Bà trách chồng sao biết bà đang có thai mà lại nỡ khai khống vu oan cho vợ. Bà từng nghĩ nếu có ngày ra tù, bà sẽ không bao giờ cho ông Chánh nhìn mặt con. Vậy nên sau khi sinh con, bà Lan nói đứa bé ấy đã chết khi sinh, để “người chồng phụ bạc” không được quyền biết có đứa con đó trên đời. Rồi cũng vì giận chồng khai khống mà sau này bà và ông cạn duyên chồng vợ.

Bà Lan kể: “Sau khi sinh con, tôi về lại trại. Nghe nói con sinh ra và theo mẹ lớn lên trong tù sẽ chẳng có tương lai. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Cũng trong lúc đó, một cán bộ trại giam mách nước tôi nên đem con cho vợ chồng một cán bộ công an là ông Út Lục. Vợ chồng ông Út chỉ có người con trai duy nhất, nếu đứa bé được vào nhà ấy thì tương lai có thể sẽ khác”. Đến nay, người con này đã gặp lại cha mẹ ruột của mình…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm