Chiều 17-3, cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Nam đã được khai mạc tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Năm học 2017-2018 là năm thứ sáu Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay có 882 học sinh với 488 dự án ở 22 lĩnh vực.
Riêng khu vực phía Nam có 34 đoàn học sinh của 32 Sở GD&ĐT khu vực phía Nam từ Đà Nẵng trở vào và hai trường THPT thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với tổng số 417 học sinh dự thi.
Cuộc thi đã thu hút hàng trăm thí sinh phía Nam với hàng trăm dự án tranh tài, nhiều dự án rất gần gũi với cuộc sống, gắn liền với đời sống lao động các vùng miền, nơi các em sinh sống, học tập. Ảnh: AN NHIÊN
Hai thí sinh Nguyễn Anh Tài và Nguyễn Thành Long (học sinh Trường THCS Gia Hiệp, Di Linh, Lâm Đồng) đến cuộc thi này với dự án "Phơi cà phê thông minh" hết sức gần gũi với cuộc sống bình dị của những người nông dân ở quê các em sinh sống.
Dù bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ nhưng Nguyễn Anh Tài vẫn luôn say mê học tập và đam mê nghiên cứu. Tài thổ lộ: Dự án "Phơi cà phê thông minh" ra đời khi cha mẹ của Tài đi làm, em được giao nhiệm vụ đảo cà phê hạt khi phơi và có mưa thì đưa cà phê vào nhà. Việc làm này khá dễ dàng với một người bình thường, ngược lại với một em học sinh khuyết tật thì lại vượt quá tầm do những cơn mưa bất chợt kéo đến.
Từ đó Tài mới mò mẫm, trình bày với bạn mình là Nguyễn Thành Long bắt tay triển khai phát triển dự án "Phơi cà phê thông minh" để giúp cha mẹ phơi cà phê mà chẳng cần nháo nhào cất cà phê khi mưa ùn ùn kéo đến. Theo đó, hai thí sinh này thiết kế mái che được điều khiển bằng ròng rọc cơ điện, hệ thống đảo cà phê và hệ thống quạt làm khô.
Ngoài ra, để tránh mưa, hệ thống này gắn thêm chip cảm biến để nhận biết trời sắp mưa thông qua việc đo độ ẩm trong không khí. Như vậy, với cái điện thoại trong tay, cho dù có đi học Tài vẫn giúp có thể giúp cha mẹ phơi cà phê mà không lo bị mưa làm ướt. Khi cảm biến báo trời sắp mưa, Tài chỉ cần một cú nhấp trên điện thoại là hệ thống mái che sẽ tự động che lại.
Nguyễn Anh Tài và Nguyễn Thành Long (học sinh Trường THCS Gia Hiệp, Di Linh, Lâm Đồng) với dự án "Phơi cà phê thông minh". Ảnh: AN NHIÊN
Dù bị khuyết tật từ nhỏ nhưng em Nguyễn Anh Tài vẫn say mê học tập, đam mê nghiên cứu và nhiều năm liền đạt thành tích học tập xuất sắc. Ảnh: AN NHIÊN
Trong khuôn khổ cuộc thi sẽ diễn ra hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu KHKT trong trường trung học” cùng các hoạt động giao lưu bổ ích và lý thú khác. Đây cũng là năm đầu tiên Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển lãm các sản phẩm sáng tạo gắn với sản xuất, kinh doanh của học sinh trung học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Đến với cuộc thi này, các em học sinh sẽ tiếp tục thể hiện bản lĩnh tuổi trẻ, tự tin giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu của mình thuyết phục ban giám khảo và các thầy cô giáo.
Cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường. Đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông.
Thí sinh Trần Ngọc Hoàng Mai (học sinh Trường THPT chuyên Long An) đến với cuộc thi bằng dự án "Nghiên cứu và sử dụng chuỗi giá trị kinh tế của cây nghệ vàng. Mai cho hay: Ý tưởng xuất hiện khi hằng ngày chứng kiến các phế phẩm củ nghệ tại cơ sở sản xuất gia đình người thân bị vứt đi lãng phí nên em bắt tay tìm hiểu và mày mò nghiên cứu để tận dụng các phế phẩm này làm thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ, thuốc trừ tuyến trùng. Ảnh: AN NHIÊN
Thứ trưởng Nghĩa cũng đánh giá đây chính là cơ hội tốt cho việc kết nối giữa giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và doanh nghiệp, tạo môi trường phát triển tốt cho giáo dục và đào tạo.
Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Nam được tổ chức từ ngày 17 đến 20-3 tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Những sản phẩm xuất sắc nhất từ cuộc thi ở hai khu vực sẽ được lựa chọn để tham dự Hội thi KHKT Quốc tế (Intel ISEF) năm 2018 tại Mỹ vào tháng 5 tới.
Cuộc thi có 239 dự án (tăng 22 dự án so với năm học 2016-2017). Các dự án thuộc 20 lĩnh vực trên tổng số 22 lĩnh vực của cuộc thi.
Trong năm 2017 vừa qua, Việt Nam cũng giành được kết quả khá ấn tượng. Trong số tám dự án (được lựa chọn từ hàng chục ngàn dự án) tham dự, trong đó có năm dự án đoạt giải chính thức (một giải ba; bốn giải tư) và bốn dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học-công nghệ và doanh nghiệp trao tặng. Việt Nam là một trong số 48/78 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải, đứng thứ ba về số lượng giải thưởng sau Mỹ và Ấn Độ. |