Ngày 6-11, tại phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017, các đại biểu (ĐB) nhận định hai vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng và công tác cán bộ đang là khâu yếu trong công tác PCTN hiện nay.
Nếu không chấn chỉnh hai khâu này sẽ khiến tài sản nhà nước tiếp tục thất thoát, Đảng và Nhà nước mất uy tín, dân mất niềm tin vào chế độ và đặc biệt là sẽ tạo ra thế hệ cán bộ tham nhũng thứ hai…
Tài sản tham nhũng khó thu hồi
Nhiều ĐB cho rằng công tác kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua hiệu quả thấp, đặc biệt tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Chứng minh điều này, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho hay theo báo cáo của Chính phủ năm 2017 thì các vụ tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỉ đồng và hơn 77.000 m2 đất. Tuy nhiên, chỉ thu hồi được hơn 329 tỉ đồng (22%) và 3.700 m2 đất (4,8%). Trong khi đó, báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN cho biết hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán không thu hồi được…
“Theo dõi việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng lớn, số tiền thu hồi về ngân khố quốc gia còn thất vọng hơn nhiều. Chẳng hạn vụ Vinashin, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Vinashin gần 990 tỉ đồng nhưng đến tháng 7-2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào” - ông Hiển nói và nhấn mạnh cần đặc biệt coi trọng vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình tố tụng.
Cùng nội dung, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng dù tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu.
Theo bà Hoa, nguyên nhân của thực trạng này là do đa số vụ tham nhũng là ẩn và những người tham nhũng đều là người có chức vụ, có học thức, trình độ nhất định. Vì vậy, việc phạm tội đều được chuẩn bị kỹ càng, tinh vi và tài sản được che giấu kỹ lưỡng.
“Trong nhiều trường hợp khối tài sản tham nhũng được ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán, hợp pháp hóa, thậm chí sử dụng phần lớn tài sản chiếm được tiêu xài hoang phí nên khi phát hiện không còn có khả năng thu hồi được. Trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan tố tụng chưa quyết liệt đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chưa kịp thời áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, tạm giữ, cấm chuyển dịch tài sản để ngăn chặn tẩu tán tài sản” - bà Hoa nói.
Chống tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ
Quan tâm một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng chuyện tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay khiến xã hội rất bức xúc nhưng chỉ được đề cập rất vắn tắt trong báo cáo của Chính phủ. “Cử tri mong muốn được chuyển đến Quốc hội câu hỏi là có hay không có tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức. Bởi lẽ nếu có thì báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN chưa đầy đủ” - ông Bộ nói.
ĐB này đặt câu hỏi: “Có hay không chuyện tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ?”. Rồi ông tự trả lời: “Cá nhân tôi cho rằng: Có! Bởi vì không có lửa thì sao có khói. Cho nên dân gian mới kết luận “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ” hẳn là đúng”.
Ông phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do pháp luật về cán bộ, công chức thiếu chặt chẽ khiến việc đánh giá cán bộ phụ thuộc nhiều vào người đánh giá. Trong khi đó việc phát hiện tham nhũng trong công tác cán bộ rất khó vì người đưa và người nhận hối lộ sẽ không bao giờ khai báo, còn người thứ ba thì không có chứng cứ để chứng minh.
“Do đó, cần phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Vì nếu không làm tốt thì sẽ tạo ra một hệ thống cán bộ, công chức như nghị quyết trung ương đã đánh giá là “rất đau lòng”. Làm không tốt sẽ tạo ra cán bộ yếu kém nhưng hệ lụy nguy hiểm hơn là sẽ tạo ra thế hệ tham nhũng thứ hai xuất hiện. Bởi vì khi họ đã bỏ tiền chạy chức, chạy quyền thì nếu được giao quyền họ sẽ tính bài thu lại bằng cách là tham nhũng tiếp theo” - ông cảnh báo. Theo đó, ĐB Bộ đề nghị cần sửa Luật Cán bộ, công chức, bổ sung quy định đánh giá cán bộ, công chức trước khi bổ nhiệm.
Cán bộ cao cấp cũng vi phạm Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 hơn 1,113 triệu người; đạt tỉ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập. “Qua xác minh phát hiện và xử lý năm trường hợp vi phạm, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Cùng kỳ năm 2016 đã không phát hiện được trường hợp nào vi phạm” - ông Khái cho biết. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Tổng Thanh tra, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. “Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm” - ông Khái nhấn mạnh. Triệt tiêu mục đích kinh tế Qua tổng kết việc thu hồi tài sản tham nhũng thì tại giai đoạn đầu của vụ án hoặc giai đoạn thanh tra, đa phần các đối tượng đều mong trả tài sản để không bị xử hình sự, chỉ bị xử hành chính, hưởng sự khoan hồng. Trong khi đó ở giai đoạn thi hành án thì các đối tượng chây ì, thậm chí tìm mọi cách tẩu tán tài sản. Tôi đề nghị công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng cần không chỉ chú ý xử lý hình sự mà còn chú ý thu hồi tài sản tham nhũng. Có như vậy mới thu hồi tiền, triệt tiêu mục đích kinh tế của tội phạm này. ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) Cả họ làm quan, hệ lụy khó lường Cần nhận diện rõ cả họ làm quan chính là hành vi tham nhũng, gây hệ lụy khó lường, làm hư hỏng nền công vụ cấp cơ sở, khiến người dân mất niềm tin vào cán bộ lãnh đạo. Nếu để kéo dài tình trạng cả họ làm quan thì sẽ tiếp tục phát sinh tình trạng “tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta”, kéo theo phân công, chia chác quyền lực và không tránh khỏi biểu hiện quá rõ tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ gây mất đoàn kết nội bộ, bè phái cục bộ. Nếu nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt ngấm vào nền móng còn nguy hại hơn nhiều. Nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào giữ nổi. ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) |