Cụ ông được người nhà đưa vào BV Thống Nhất (TP.HCM) vào ngày 18-11 trong tình trạng có vấn đề tim mạch khi thường xuyên khó thở, tức ngực, cáu gắt sau phẫu thuật tiết niệu cách đây hai tháng.
PGS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết kết quả chụp kiểm tra cho thấy bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp, tổn thương rất phức tạp, hẹp khoảng 90% ngay thân chung động mạch vành trái, gây ảnh hưởng lớn đến việc nuôi tim, tiên lượng đe dọa tính mạng lớn.
Sau khi trao đổi với người nhà, các bác sĩ đã quyết định tiến hành can thiệp đặt stent để cứu sống bệnh nhân. Sau thủ thuật, cụ ông đã khỏe mạnh, hết khó thở, hồi phục tốt. Con trai cụ chia sẻ: “Gia đình rất lo lắng cho ông, chúng tôi đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, may mà ông đã vượt qua được”.
Cụ ông hồi phục tốt sau khi được thực hiện thủ thuật.
Theo BS Dũng, cụ ông là một trong những trường hợp lớn tuổi của bệnh viện và cũng là trường hợp lớn tuổi nhất trong đặt stent thân chung vành trái từ trước đến nay. Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể nhanh chóng tử vong.
BS Dũng cũng cho biết thêm, dân số Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn già hóa, bệnh nhân mạch vành cao tuổi ngày càng nhiều. Trước đây, bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành tổn thương ở vị trí này đều phải trải qua cuộc mổ tim mở rất lớn, mở lồng ngực để bắc cầu mạch vành và không có chỉ định cho can thiệp mạch vành. Với người lớn tuổi như cụ ông, cuộc phẫu thuật phải chạy tim phổi nhân tạo, hô hấp hổ trợ bằng máy thở... và bệnh nhân sẽ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ trong và sau mổ.
Dần dần, nhờ vào sự tiến bộ y học, đặt stent thân chung vành trái được thực hiện tại các trung tâm can thiệp lớn và bởi các bác sĩ có kinh nghiệm được tiến hành, mang lại cơ hội cho nhiều người lớn tuổi hơn. Bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ nên hồi phục nhanh, hiệu quả điều trị vượt trội.