Ai cứu sò lông non đang bị khai thác kiểu hủy diệt?

Ai cứu sò lông non đang bị khai thác kiểu hủy diệt?

(PLO)- Sò lông non đang bị khai thác vô tội vạ, cạn kiệt nhưng không xử lý được do Luật Thủy sản…không quy định.

Sò lông non mà dân biển thường gọi là sò lông “nhi đồng” nhỏ xíu như đầu ngón tay, nếu bỏ lên cân phải từ 100-120 con/kg đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt hàng loạt khi gần đây tại các vùng biển Tuy Phong, Phan Thiết (Bình Thuận) đang bị khai thác vô tội vạ.

sò lông
Sò lông non được đóng bao chờ vận chuyển đi tiêu thụ.

Sò lông non: “Những con chim ẩn mình chờ chết”

Lượng sò lông “nhi đồng” bị khai thác theo kiểu hủy diệt này không xuất hiện trên bàn nhậu vì quá nhỏ, kích cỡ chỉ từ 2-3cm mà được đóng bao tập kết tại các khu vực bãi ngang, kè, cảng cá để thương lái thu gom bán làm thức ăn cho tôm hùm chỉ với giá 1.000-2.000đ/kg.

Đáng nói hiện là thời điểm sinh sản của sò lông (từ tháng 8 đến tháng 2 hàng năm) nên sò lông đang đối mặt với nguy cơ bị tận diệt nếu các cơ quan quản lý không nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vừa ký văn bản gởi các cơ quan chức năng khẩn trương, kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác sò lông non trên vùng biển của tỉnh.

so-long-51-3095-1544.jpg
Sò lông non từ 100-120 con/kg bán với giá rẻ mạt để làm thức ăn cho tôm hùm.

“Tình trạng khai thác, tiêu thụ sò lông non đang diễn ra là hành vi điển hình về tận diệt nguồn lợi thủy sản, vì lợi ích trước mắt nhưng gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm suy kiệt loại sò lông có giá trị kinh tế cao của vùng biển tỉnh Bình Thuận”, văn bản trên nhấn mạnh.

Được biết, hiện nay ngư dân đang tập trung đánh bắt sò lông non trong thời kỳ sinh trưởng do một số doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn để bán làm thức ăn cho người nuôi tôm hùm tại các tỉnh miền Trung (Khánh Hòa, Phú Yên).

Riêng tại Khu chế biến Nam cảng cá Phan Thiết có công ty thu gom, mua, vận chuyển đi tiêu thụ các nơi lên đến hàng chục tấn mỗi ngày.

Theo các chuyên gia thủy sản, chênh lệch giá trị giữa việc khai thác và bán sò lông non (100-120 con/kg) với việc để sò lông trưởng thành mới khai thác (15-20 con/kg) lên đến hàng trăm lần. Và tại vùng biển Bình Thuận thời gian qua đã có hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn tấn sò lông non bị đánh bắt tận diệt kiểu này.

UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư phối hợp lực lượng Biên phòng thực hiện việc kiểm tra điều kiện hành nghề của tàu cá hoạt động nghề lặn.

so-long (42).JPG
Lặn bắt sò lông.

Không cho phép xuất bến nếu không đảm bảo điều kiện hành nghề; xử lý nghiêm vi phạm; điều động tàu kiểm ngư kiểm tra thường xuyên các khu vực bãi sò lông để ngăn chặn hành vi khai thác sò lông non, hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

Chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh không cho phép tàu thuyền lặn bắt sò lông non cập các cảng cá bốc dỡ, tiêu thụ.

Đồng thời chỉ đạo lực lượng công an phối hợp cơ quan chuyên ngành thủy sản nắm tình hình, làm việc với các cơ sở thu mua sò lông non bán làm thức ăn cho tôm hùm để tuyên truyền và yêu cầu dừng ngay việc mua sò lông non, tận diệt nguồn lợi, gây thiệt hại kinh tế.

Rõ ràng, tỉnh Bình Thuận đã có phản ứng khá nhanh nhưng chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động thì khó có thể cứu được sò lông, vì sao?

Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên có hạn

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tình trạng khai thác và tiêu thụ sò lông non diễn ra công khai là do có sự thay đổi về quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện hành so với các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây .

Cụ thể, Luật Thủy sản 2017, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ NN&PTNT không có quy định về kích thước khai thác tối thiểu đối với loài sò lông vì không thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm.

Do vậy, lực lượng Kiểm ngư, Thanh tra Thủy sản và các cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xử lý.

so-long (46).jpg
Luật không quy định nên không có cơ sở để xử lý.

Trước đây, Luật Thủy sản năm 2003 có quy định rõ ràng về những đối tượng bị cấm khai thác và những đối tượng bị cấm khai thác có thời hạn trong năm. Trong đó, các loài điệp, sò lông, bàn mai, nghiêu lụa, dòm nâu và kích thước tối thiểu một số loài thuỷ sản cũng được quy định cụ thể.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, nguồn lợi thủy sản là nguồn tài nguyên có hạn và việc quản lý khai thác bền vững về nguyên tắc phải dựa trên tiềm năng, trữ lượng, khả năng cho phép, đảm bảo các điều kiện để nguồn lợi tự tái tạo, duy trì.

Không thể dựa trên sản lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế mà ít chú ý đến các chỉ tiêu sinh học như chu kỳ sinh trưởng, sinh sản, độ tuổi, mức độ thành thục,…

Các quy định về thời gian cấm khai thác, kích cỡ tối thiểu cho phép khai thác các loài điệp, sò lông, bàn mai, dòm nâu của Bộ NN&PTNT trước đây đều dựa trên những luận chứng, căn cứ khoa học từ các đề tài nghiên cứu thực tiễn tại tỉnh Bình Thuận của Viện Hải dương học Nha Trang, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III.

Thực tế đã chứng minh cho việc áp dụng các quy định của Luật Thủy sản 2003 đã mang lại những hiệu quả rất tích cực trong công tác bảo vệ, phục hồi, tái tạo và giúp duy trì ổn định nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ đang bị suy giảm trong những năm trước 2017.

Bất cập Luật Thủy sản

Tuy nhiên Luật Thuỷ sản năm 2017 chỉ nêu về nghề, ngư cụ cấm sử dụng, hoàn toàn không có các điều khoản quy định về kích cỡ, mùa vụ khai thác.

“Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý khai thác bền vững các loài nhuyễn thễ hai mảnh vỏ của các địa phương; việc ngăn chặn, xử lý các hành vi này không thể thực hiện được do không có căn cứ pháp lý để áp dụng”, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết.

so-long (1).jpg
từ năm 2020 đến nay, Chi cục Thủy sản Bình Thuận không xử lý được vụ vi phạm nào về hành vi khai thác trong mùa cấm, khai thác loài nhuyễn thể non.

Chính vì điều này nên từ năm 2020 đến nay, tại Bình Thuận không xử lý được vụ vi phạm nào về hành vi khai thác trong mùa cấm, khai thác loài nhuyễn thể non.

“Từ khi luật Thủy sản 2017 ra đời gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý khai thác bền vững các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ; việc ngăn chặn, xử lý các hành vi này không thể thực hiện được do không có căn cứ pháp lý để áp dụng.

Do đó Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng ban hành các quy định về kích cỡ và mùa vụ cho phép khai thác đối với tất cả các loài thủy sản. Đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới”

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận kiến nghị.

Nhiều chuyên gia thủy sản cũng cho rằng trong khi chờ các quy định chặt chẽ hơn từ Bộ NN&PTNT thì ngay bây giờ cần phải yêu cầu các cơ sở nuôi tôm hùm đang tiêu thụ 100% các loài nhuyễn thể non để làm thức ăn phải dừng thu mua.

Chính việc này đã khuyến khích ngư dân khai thác nhuyễn thể non để cung ứng cho họ một cách vô tội vạ mà chẳng có quy định nào để quản lý nguồn nguyên liệu này. Nếu quản lý chặt thì bước đầu sẽ ngăn chặn ngay được việc khai thác hủy diệt như hiện nay.

Đọc thêm