Doanh nghiệp lớn kiến nghị gì cho nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII?

Doanh nghiệp lớn kiến nghị gì cho nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII?

(PLO)- Vinatex, Viettel, PVN – ba doanh nghiệp lớn kiến nghị những chính sách đột phá, hi vọng tạo động lực phát triển cho nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Hôm nay, 12-12, Diễn đàn "Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức.

Tại diễn đàn nhiều doanh nghiệp bày tỏ ý kiến, đề xuất cũng như chia sẻ kinh nghiệm tốt có tính giải pháp cho sự phát triển kinh tế nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Doanh nghiệp lớn kiến nghị gì cho nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII?
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp lớn với mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế nước nhà trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Những con số biết nói

Đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, các cuộc đảo chính ở châu Phi, gần đây là cuộc đối đầu của Hamas - Israel ở Trung Đông. Ngay trong khu vực, biến động phức tạp ở Myanmar tạo thành bức tranh bối cảnh chung với những tác động trực tiếp chưa từng có tới Việt Nam từ sau Đại hội XIII đến nay.

Trong bối cảnh ấy, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ghi nhận, phản ứng chính sách của nửa đầu nhiệm kỳ qua là tìm mọi cách phục hồi và phát triển kinh tế.

Kết quả thể hiện qua các con số: Năm 2021, chịu ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19, tăng trưởng GDP nước ta đạt 2,56%, dù rất thấp nhưng vẫn là con số tích cực so với nhiều nước tăng trưởng âm; năm 2022, tăng trưởng đạt mức 8,02%; năm nay 2023, tăng trưởng chậm lại, dự báo khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu 6,5%, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Bối cảnh và những con số ấy là các chỉ số đầu vào khi bàn về nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Câu chuyện ngành dệt may

Doanh nghiệp lớn kiến nghị gì cho nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII?
Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu kể câu chuyện buồn ngành dệt may.

Dệt may là một ngành chịu tác động rõ nhất từ các yếu tố bên ngoài này. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, giai đoạn 2015-2020, dệt may tăng trưởng bình quân 17%/năm, đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỉ USD năm 2021, 44 tỉ USD năm 2022. Việt Nam tưởng như vững chắc trong top 3 các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Vậy nhưng, đang đà phục hồi sau đại dịch như vậy thì một năm qua, toàn ngành phải đối mặt những khó khăn chưa từng có.

Đầu tiên là tập quán tiêu dùng toàn cầu thay đổi, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu giảm sâu. Các thị trường lớn như Mỹ và EU ban hành ngày càng nhiều các chính sách khắt khe thúc đẩy tiêu chuẩn xanh. Rồi dịch chuyển dòng vốn FDI ngành dệt may.

Các thách thức đến dồn dập đã làm giảm sâu đơn hàng cũng như đơn giá gia công. Hơn 2 triệu lao động ngành dệt may, một con số rất lớn, bị thiếu hoặc mất việc làm.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng giải pháp lúc này là các doanh nghiệp trong ngành phải cùng Chính phủ xây dựng chiến lược, chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất nguyên liệu. Các doanh nghiệp phải phát triển chuỗi sản xuất hoàn chỉnh với quy mô lớn, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Từng đơn vị cần chủ động chuyển hướng vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, phân phối.

“Quá trình này là rất khó khăn, cần phải có ưu đãi thuế từ Nhà nước, hỗ trợ nguồn vốn, tín dụng lãi suất thấp từ ngân hàng” – ông Hiếu đưa đề xuất giải pháp cho ngành dệt may trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Đề xuất từ Viettel

Doanh nghiệp lớn kiến nghị gì cho nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII?
Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Thanh Nam chia sẻ kinh nghiệm học hỏi được từ nước láng giềng Trung Quốc.

Trước những khó khăn và thách thức khó lường từ bên ngoài như lúc này, sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ từ Chính phủ trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII có ý nghĩa rất quan trọng, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Viettel.

Dẫn câu chuyện thành công của Trung Quốc vào đúng dịp Tổng Bí thư – Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam, ông Nam cho biết Chính phủ bạn có thông điệp rất rõ ràng về mục tiêu phát triển.

Theo đó, doanh nghiệp làm công nghệ thì luôn phải tính đến sự thích ứng, đồng bộ của công nghệ mình phát triển với nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp nước mình.

Nhờ vậy, các sản phẩm của Huawei hay các doanh nghiệp công nghệ khác đã phục vụ rất tốt cho nhu cầu của người dân. Đến mức nông dân cũng có thể sử dụng hiệu quả tính năng của điện thoại thông minh để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và mua bán giao thương.

Cũng như vậy, trước áp lực do nguồn lao động giảm dần do hệ quả chính sách một con và tốc độ già hóa dân số nhanh, Trung Quốc những năm qua đầu tư mạnh vào ngành tự động hóa. Kết quả là ứng dụng tự động hóa đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp, vừa giúp tăng năng suất, vừa tiết kiệm năng lượng.

Ông Nam cho biết, Viettel đã tìm hiểu và đang tiếp thu nhiều kinh nghiệm tốt của nước ngoài, nhất là chính sách đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) để giữ đà tăng trưởng trong lâu dài.

Ba kiến nghị cụ thể của ông lớn dầu khí

Doanh nghiệp lớn kiến nghị gì cho nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII?
Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Văn Mậu đề xuất chính sách cụ thể đón đầu xu hướng dịch chuyển xanh.

Các mỏ dầu truyền thống đi đến suy giảm sản lượng tự nhiên cũng là lúc Tập đoàn Dầu khí PVN dịch chuyển xanh theo xu hướng toàn cầu.

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Mậu cho biết PVN đang thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế để nghiên cứu, điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò khai thác các nguồn năng lượng mới/năng lượng sạch, phi truyền thống như: khí hydrate (băng cháy), khí sét, khí than, hydro, nguồn địa nhiệt.

PVN cũng triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa các nhà máy điện. Chuyển nguồn lực từ khai thác dầu thô sang đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm triển khai các công trình trên biển.

Nhưng để quá trình dịch chuyển xanh của mình cũng như cộng đồng doanh nghiệp diễn ra hiệu quả, theo hướng phát triển bền vững trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, đại diện PVN đưa ra những kiến nghị cụ thể với Chính phủ:

(1) Nâng cao năng lực và kiện toàn về pháp lý, tổ chức hiện có, tăng cường năng lực dịch vụ tài chính, ngân hàng và thị trường tiền tệ để huy động các nguồn lực tài chính.

(2) Hình thành cơ sở pháp lí để các tập đoàn/doanh nghiệp uy tín phát hành trái phiếu xanh cũng như các hình thức huy động vốn cho các dự án phát triển xanh.

(3) Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu xanh cho dự trữ bắt buộc; chấp nhận sử dụng trái phiếu xanh trong hoạt động thị trường mở với tỉ lệ chiết khấu cao hơn các trái phiếu khác.

Tiếp tục đổi mới tư duy

Từ những chia sẻ của các doanh nghiệp lớn tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Vũ Trọng Lâm cho rằng việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng theo hướng mà người dân doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 nghị quyết và 54 kết luận, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lâm cũng như các diễn giả đều thống nhất rằng giai đoạn nửa cuối nhiệm kỳ này, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế.

Cùng với yêu cầu xuyên suốt là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thì cần ưu tiên giải quyết bài toàn hiệu quả đầu tư công. Và quan trọng nhất là phải phát huy hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đọc thêm